Phân tích hòa vốn (Break-Even Analysis) là gì?
Phân tích hòa vốn (Break-Even Analysis)
Định nghĩa
Phân tích hòa vốn trong tiếng Anh Break-Even Analysis. Phân tích hòa vốn đòi hỏi phải tính toán và kiểm tra biên độ an toàn cho một đơn vị kinh tế dựa trên doanh thu và chi phí liên quan.
Phân tích hòa vốn là phương pháp phân tích để xác định mức sản lượng hòa vốn, tức mức sản lượng đem lại tổng doanh thu vừa đủ để bù đắp tổng chi phí.
Đặc trưng và ý nghĩa của phân tích hòa vốn
- Quá trình phân tích hòa vốn cung cấp cho nhà quản trị cách nhìn toàn diện về mối quan hệ này trong quá trình điều hành doanh nghiệp. Đó chính là việc chỉ rõ:
+ Sản lượng, doanh thu ở mức nào để đạt được điểm hòa vốn
+ Phạm vi lời lỗ của doanh nghiệp theo những cơ cấu chi phí, sản lượng tiêu thụ, doanh thu
+ Phạm vi đảm bảo an toàn về doanh thu để đạt được một mức lợi nhuận mong muốn.
- Phân tích hoà vốn sẽ giúp cho nhà quản trị xem xét quá trình kinh doanh một cách chủ động và tích cực, xác định rõ ràng mức sản lượng và doanh thu bằng bao nhiêu thì hòa vốn trong kì kinh doanh.
Từ đó xác định được vùng lãi, lỗ của doanh nghiệp để người quản lí có những biện pháp chỉ đạo tích cực để sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Ưu điểm và hạn chế của phương pháp phân tích hòa vốn
Ưu điểm
Việc phân tích điểm hoà vốn được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nó có một số ứng dụng quan trọng sau:
+ Dùng để đánh giá lợi nhuận, chi phí của một dự án, một doanh nghiệp.
+ Được sử dụng trong việc lựa chọn phương án sản xuất đầu tư.
+ Có thể sử dụng trong sự phân tích rủi ro của doanh nghiệp hay một dự án đầu tư.
Hạn chế
Qua việc phân tích điểm hoà vốn, ta thấy để việc phân tích chi phí trong mối quan hệ với sản lượng, lợi nhuận thực hiện được thì các điều kiện sau phải được thoả mãn:
+ Biến thiên của chi phí và thu nhập phải tuyến tính.
+ Hầu hết các kết cấu của chi phí đều rất phức tạp và bao gồm nhiều khoản mục không thể phân chia một cách chính xác và cụ thể thành định phí và biến phí. Bởi vậy rất khó khăn khi phân tích điểm hoà vốn với kết cấu chi phí phức tạp và việc phân chia chỉ là tương đối.
+ Trong thực tế rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một loại sản phẩm mà sản xuất nhiều loại. Do đó muốn phân tích phải qui đổi các sản phẩm khác nhau thành một loại sản phẩm chuẩn duy nhất mà việc này thì rất khó khăn và chỉ mang tính tương đối.
+ Phân tích hoà vốn không quan tâm đến giá trị tiền tệ theo thời gian cho nên kết quả đặc biệt sai lệch trong trường hợp có lạm phát cao. Như vậy ở các doanh nghiệp có tỉ lệ định phí cao hơn biến phí trong tổng chi phí thì độ lớn đòn bẩy kinh doanh sẽ lớn và ngược lại.
Điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp có đòn bẩy kinh doanh lớn thì tỉ lệ định phí trong tổng chi phí lớn hơn biến phí, do đó lợi nhuận sẽ rất nhạy cảm với thị trường khi doanh thu biến động, bất kì sự biến động nhỏ nào của doanh thu cũng tạo ra sự biến động lớn về lợi nhuận.
Do vậy khi doanh thu vượt qua điểm hoà vốn thì chỉ cần tăng một tỉ lệ nhỏ về doanh thu sẽ có tác động làm tăng tỉ lệ lớn về lợi nhuận.
(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân; Break-Even Analysis, Investopedia)