Sản lượng hòa vốn (Break even volume) là gì? Cách xác định sản lượng hòa vốn
Hình minh họa
Sản lượng hòa vốn (Break even volume)
Định nghĩa
Sản lượng hòa vốn trong tiếng Anh là Break even volume. Sản lượng hòa vốn là sản lượng sản xuất của doanh nghiệp mà tại đó doanh thu vừa đủ để bù đắp chi phí bỏ ra, bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi.
Tại mức sản lượng hòa vốn, doanh nghiệp không có lãi cũng không bị lỗ.
Các thuật ngữ liên quan
Điểm hòa vốn (Break Even Point, viết tắt: BEP) là điểm mà tại đó tổng doanh thu bằng tổng chi phí.
Doanh thu hòa vốn là doanh thu của sản lượng hòa vốn. Doanh thu hòa vốn Dth được xác định bằng cách lấy sản lượng hòa vốn nhân với giá bán Dth = SLh x g.
Cách xác định sản lượng hòa vốn
Từ khái niệm số dư đảm phí (lãi trên biến phí), ta thấy điểm hòa vốn có thể được định nghĩa là điểm mà tại đó tổng lãi trên biến phí đúng bằng chi phí cố định của doanh nghiệp trong kì.
Từ khái niệm trên ta có phương trình điểm hòa vốn:
Dt – Cp = 0
Dt – Bp – Đp = 0
SL x g – SL x bp – Đp = 0
SL (g – bp) – Đp = 0
Hay SL (g – bp) = Đp (1)
Từ phương trình (1) ta có sản lượng hòa vốn SLh được xác định bằng:
SLh = Đp/(g – bp)
Hay SLh = Đp/lb (2)
Trong đó:
Dt: Doanh thu; Cp: Chi phí;
SL: sản lượng
Bp: Biến phí; Đp: Định phí
g: giá bán đơn vị sản phẩm
bp: biến phí đơn vị sản phẩm
Ví dụ
Với số liệu của công ty may Hưng Thịnh (đơn vị: 1.000 đồng)
Chỉ tiêu | Tổng số | Tính cho một sản phẩm |
---|---|---|
Doanh thu | 300.000 (tính trên 1.000 áo) | 300 |
Chi phí nguyên liệu trực tiếp | 150.000 | 150 |
Chi phí nhân công trực tiếp | 20.000 | 20 |
Chi phí sản xuất chung biến đổi | 5.000 | 5 |
Tổng chi phí biến đổi | 175.000 | 175 |
Lãi trên biến phí | 125.000 | 125 |
Chi phí cố định | 37.000 | 37 |
Lợi nhuận | 88.000 | 88 |
Từ số liệu của Công ty may Hưng Thịnh, chúng ta sẽ xác định được sản lượng hòa vốn như sau:
Đp = 37.000 (nghìn đồng)
Chi phí biến đổi đơn vị: 175 (nghìn đồng)
Lãi trên biến phí đơn vị: lb = 125 (nghìn đồng)
Ta có: SLh = 37.000/125 = 296 (sản phẩm)
Công ty Hưng Thịnh sẽ đạt được điểm hòa vốn với 296 sản phẩm và công ty bắt đầu có lãi từ sản phẩm thứ 297, nếu sản xuất dưới mức này công ty sẽ bị lỗ.
(Tài liệu tham khảo: Cách ứng xử của chi phí và phân tích mối quan hệ chi phí – sản lượng – lợi nhuận, Tổ hợp giáo dục Topica)