|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hệ số giá/giá trị sổ sách (Price-To-Book Ratio - P/B) là gì?

11:49 | 25/10/2019
Chia sẻ
Hệ số giá/giá trị sổ sách (tiếng Anh: Price-To-Book Ratio, kí hiệu: P/B) bằng giá trị thị trường của cổ phiếu chia cho giá trị sổ sách hiện tại của cổ phiếu.
happy 60th birthday (2)

Hình minh họa

Hệ số giá/giá trị sổ sách (Price-To-Book Ratio - P/B)

Định nghĩa

Hệ số giá/giá trị sổ sách trong tiếng Anh là Price-To-Book Ratio, thường kí hiệu là P/B.

Hệ số giá/giá trị sổ sách bằng giá trị thị trường của cổ phiếu chia cho giá trị sổ sách hiện tại của cổ phiếu.

Công thức xác định

P/BV = Giá trị thị trường của cổ phiếu/Giá trị sổ sách của cổ phiếu

Trong đó:

Giá trị sổ sách (Book value, kí hiệu là BV hoặc B) là giá trị tài sản ròng của một công ty được tính bằng tổng tài sản trừ đi tài sản vô hình (bằng sáng chế, lợi thế thương mại) và nợ phải trả.

Ý nghĩa của hệ số giá/giá trị sổ sách và lưu ý khi sử dụng

- Thông thường, giá trị của hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B) càng tiến gần 1 càng tốt vì khi đó thị trường đang đánh giá giá trị cổ phiếu sát với giá trị vốn có của nó, tuy nhiên, cũng có những trường hợp gây nhầm lẫn như doanh nghiệp sử dụng nợ quá nhiều và giá trị cổ phiếu đang thấp nhưng cũng tiến gần giá trị 1...

- Khi sử dụng hệ số P/B, người sử dụng cần lưu ý đặc biệt đến các đặc thù về ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, chẳng hạn hệ số này đặc biệt sử dụng phù hợp với các ngành dịch vụ vì đối với các doanh nghiệp loại này thì giá trị sổ sách tương đối sát với giá trị thị trường.

- Về cơ bản, hệ số này đảm bảo yêu cầu nhất quán - tử số và mẫu số đều đo lường giá trị vốn cổ phần. Tuy nhiên, khả năng hệ số này không nhất quán vẫn có thể xảy ra nếu bạn không cẩn thận trong cách ước tính giá trị sổ sách - (Book Value - BV) của vốn cổ phần trên mỗi cổ phần. Cụ thể:

+ Nếu công ty có nhiều loại cổ phần đang được lưu hành, giá mỗi cổ phần của từng loại có thể khác nhau, bạn không thể xác định rõ ràng tỉ trọng giá trị sổ sách vốn cổ phần của mỗi loại.

+ Khi tính BV của vốn cổ phần, bạn nên loại bỏ phần vốn huy động được từ cổ phiếu ưu đãi

Ưu điểm và hạn chế của hệ số P/B

(1) Ưu điểm

- Giá trị sổ sách thường ổn định hơn EPS nên khi có sự đột biến về EPS thì hệ số này được sử dụng nhiều hơn và kết quả định giá chính xác hơn.

- Vì BV là giá trị tích lũy trên bảng cân đối kế toán, do đó BV thường lớn hơn 0 ngay cả khi EPS âm. Thông thường chúng ta dùng P/B khi EPS âm.

- Do BV thường ổn định hơn EPS, nên P/B sẽ là một chỉ số tốt khi EPS quá biến động.

- Phương pháp P/B thường được dùng để định giá các công ty được cho là không còn tiếp tục hoạt động.

(2) Hạn chế

- Không phù hợp để định giá cổ phiếu của các công ty dịch vụ, nơi mà tài sản vô hình (tài sản con người) còn quan trọng hơn bất kì tài sản hữu hình nào.

- Sự khác biệt trong các mô hình và chiến lược kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành có thể dẫn đến sự khác biệt trong giá trị sổ sách, do vậy P/B sẽ không phải là một chỉ số tốt để so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành.

- Sự linh hoạt trong việc lựa chọn các nguyên tắc kế toán dẫn đến sự khác biệt về giá trị tài sản, thậm chí chất lượng tài sản, được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Điều này khiến cho việc so sánh giữa các công ty với nhau sử dụng P/B có thể gây nhầm lẫn.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Phân tích đầu tư chứng khoán, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Price-To-Book – P/B Ratio, Investopedia)

Minh Lan