|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Dự trữ ngân hàng (Bank Reserves) là gì? Đặc điểm Dự trữ ngân hàng

11:12 | 16/01/2020
Chia sẻ
Dự trữ ngân hàng (tiếng Anh: Bank Reserves) là mức tiền mặt tối thiểu phải được các tổ chức tài chính giữ lại để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng trung ương và dự phòng các chi phí và các khoản thanh toán phát sinh.
Dự trữ ngân hàng (Bank Reserves) là gì? Đặc điểm Dự trữ ngân hàng - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Vninsider.vn

Dự trữ ngân hàng

Khái niệm

Dự trữ ngân hàng trong tiếng Anh là Bank Reserves.

Dự trữ ngân hàng là mức tiền mặt tối thiểu phải được các tổ chức tài chính giữ lại để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng trung ương và dự phòng các chi phí và các khoản thanh toán phát sinh. 

Ngân hàng không thể cho vay khoản dự trữ này mà phải giữ lại trong kho tiền tại ngân hàng đó hoặc tại ngân hàng trung ương, nhằm đáp ứng tất cả các nhu cầu sử dụng tiền phát sinh lớn.   

Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qui định lượng dự trữ tiền mặt tối thiểu mà mỗi ngân hàng phải duy trì.     

Đặc điểm Dự trữ ngân hàng 

Về tổng quan, dự trữ ngân hàng là một khoản phòng bị của các ngân hàng để hạn chế khủng hoảng tiền mặt khi các chi phí phát sinh hay các kịch bản tiêu cực xây ra. 

Ngân hàng trung ương yêu cầu các ngân hàng phải giữ một lượng tiền mặt dự trữ nhất định để họ không bao giờ rơi vào tình trạng thiếu tiền và phải từ chối yêu cầu rút tiền của khách hàng, có thể gây ra rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng (bank run). 

Dự trữ ngân hàng được chia thành dự trữ bắt buộc và dự trữ vượt mức. 

- Dự trữ bắt buộc là khoản tiền mặt tối thiểu mà các ngân hàng phải có sẵn dựa theo yêu cầu của ngân hàng trung ương.   

- Dự trữ vượt mức là tất cả khoản tiền mặt trong kho tiền dự trữ vượt quá mức bắt buộc tối thiểu, khoản tiền này được ngân hàng giữ lại thay vì đem đi cho vay. 

Dự trữ ngân hàng vượt mức yêu cầu tối thiểu

Các ngân hàng thường có ít động cơ duy trì dự trữ vượt mức vì tiền rảnh rỗi không những không tạo ra được lợi nhuận mà họ còn có thể mất tiền do giá trị tiền giảm dần theo thời gian dưới tác động của lạm phát. 

Do đó, các ngân hàng thường có dự trữ vượt mức của họ không cao và lấy khoản tiền rảnh rỗi cho vay khách hàng để thu lãi.   

Thông thường, dự trữ ngân hàng sẽ giảm khi nền kinh tế đang trong thời kì mở rộng và tăng khi nền kinh tế đang trong thời kì suy thoái. 

Khi nền kinh tế hoạt động có hiệu quả, các doanh nghiệp và người tiêu dùng vay nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn trong khi vào giai đoạn suy thoái, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu và vì vậy giảm vay nợ.   

Một số lưu ý 

Dự trữ bắt buộc của ngân hàng phải tuân theo công thức được qui định bởi ngân hàng nhà nước, dựa trên số tiền gửi trong tài khoản giao dịch ròng của ngân hàng. 

Tài khoản giao dịch ròng bao gồm tiền gửi không kì hạn, tài khoản chuyển khoản tự động và tài khoản hối phiếu cổ phần. 

Giá trị tài khoản giao dịch ròng được tính bằng tổng số tiền trong tài khoản giao dịch trừ đi các khoản phải trả cho các ngân hàng khác và tiền mặt đang trong quá trình thu hồi.  

Tỉ lệ dự trữ bắt buộc của dự trữ ngân hàng cũng được sử dụng làm công cụ để thực hiện các chính sách tiền tệ. 

Thông qua tỉ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh số tiền sẵn có trong nền kinh tế, vì vậy gây tác động lên hoạt động cho vay.      

Các ngân hàng có dự trữ ngân hàng vượt mức tối thiểu sẽ được nhận một khoản trả lãi từ ngân hàng trung ương. Dù nó chỉ là một mức lãi suất nhỏ nhưng về cơ bản, nó không chứa bất kì rủi ro nào. 

Ngược lại, số tiền này có thể được các ngân hàng cho vay hoặc đem đi đầu tư để thu được lợi nhuận cao hơn, tuy nhiên đi kèm với nó là rủi ro lớn hơn.    

(Theo Investopedia)

Lê Thảo

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.