|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài sản dự trữ (Reserve Assets) là gì? Ví dụ về sử dụng tài sản dự trữ

15:50 | 24/09/2019
Chia sẻ
Tài sản dự trữ (tiếng Anh: Reserve Assets) là ngoại tệ hoặc các tài sản khác, như vàng, có thể nhanh chóng chuyển nhượng và được dùng để làm cân bằng giao dịch và thanh toán quốc tế.
currency

Hình minh họa. Nguồn: moroccoworldnews.com

Tài sản dự trữ

Khái niệm

Tài sản dự trữ trong tiếng Anh là Reserve Assets.

Tài sản dự trữ là tài sản tài chính mà các ngân hàng trung ương nắm giữ, có trị được tính theo ngoại tệ, chủ yếu được sử dụng để cân bằng các khoản thanh toán. 

Các cơ quan quản lí tiền tệ phải luôn có sẵn tài sản dự trữ, chúng được được sử dụng để tài trợ cho mất cân bằng thương mại, kiểm tra tác động của biến động ngoại hối, giải quyết các vấn đề khác theo quan điểm của ngân hàng trung ương hoặc khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính.

Đồng đôla Mỹ được coi là tài sản dự trữ chiếm ưu thế và do đó, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ nắm giữ một lượng đôla Mỹ đáng kể.

Kết cấu của tài sản dự trữ

Tài sản dự trữ, theo chỉ dẫn cán cân thanh toán quốc tế của Quĩ Tiền tệ Quốc tế, tối thiểu phải bao gồm các tài sản tài chính sau: 

- Vàng 

- Ngoại tệ: Là dự trữ chính thức quan trọng nhất. Các loại tiền tệ này phải được tự do giao dịch (có thể mua / bán ở bất cứ đâu), chẳng hạn như USD hoặc EUR.

- Quyền rút vốn đặc biệt (SDR): Thể hiện quyền được nhận ngoại hối hoặc tài sản dự trữ khác từ các thành viên IMF.

- Vị thế dự trữ với IMF: Dự trữ mà quốc gia đã trao cho IMF, và có sẵn cho quốc gia thành viên.

Tài sản dự trữ có thể được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động thao túng tiền tệ của ngân hàng trung ương. Nói chung, việc làm giảm giá trị của đồng tiền sẽ dễ dàng hơn là đẩy nó lên, vì để làm tăng giá tiền tệ thì cần phải bán tài sản dự trữ để mua tài sản trong nước. Điều này có thể làm cạn kiệt dự trữ một cách nhanh chóng. 

Ngân hàng trung ương có thể gây áp lực giảm giá đối với tiền tệ bằng cách bơm thêm nhiều tiền vào hệ thống và sử dụng số tiền đó để mua tài sản nước ngoài. Nhược điểm của chiến lược này là gây ra khả năng tăng lạm phát.

Ví dụ về sử dụng tài sản dự trữ

Từ năm 2011 đến 2015, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã thực hiện áp mức trần tỉ giá hối đoái với muốn giới hạn giá của đồng franc Thụy Sĩ so với đồng euro. Đồng franc tăng giá có thể gây hại cho các nhà xuất khẩu Thụy Sĩ vì khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn cho các nước châu Âu khác.

Để thao túng giá của một loại tiền tệ, trong trường hợp này là áp giá trần, cần phải sử dụng một số công cụ. SNB đã chọn in thêm tiền, tăng thêm cung cho đồng franc và phá giá nó. Sau đó, SNB bán những đồng franc đó để mua euro và các loại ngoại tệ khác. 

Điều này đã giúp kéo đồng franc xuống và khiến các loại tiền tệ khác tăng giá. Điều này đã tăng cường dự trữ của SNB và vào năm 2014, họ đã tích lũy được lượng ngoại tệ có giá trị khoảng 70% GDP.

SNB cũng giảm lãi suất xuống 0% vào cuối năm 2011. Đến năm 2015, lãi suất tiếp tục giảm còn -0,75%. Điều này tiếp tục ngăn cản việc mua franc.  

Năm 2015, SNB đã từ bỏ việc áp tỉ giá trần lên đồng franc khi không còn có thể tiếp tục in thêm franc và tăng tài sản dự trữ. Kết quả là đồng franc tăng giá mạnh ngay lập tức.

(Theo investopedia)

Hằng Hà