|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giao dịch ngoại tệ (Foreign currency transaction) là gì?

11:47 | 11/09/2019
Chia sẻ
Giao dịch ngoại tệ (tiếng Anh: Foreign currency transaction) là giao dịch được xác định bằng ngoại tệ hoặc yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ.
Myanmar-Kyat-AFP

Hình minh họa. Nguồn: mmtimes.com

Giao dịch ngoại tệ (Foreign currency transaction)

Giao dịch ngoại tệ trong tiếng Anh là Foreign currency transaction.

Giao dịch ngoại tệ là giao dịch được xác định bằng ngoại tệ hoặc yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ.

Các giao dịch ngoại tệ phát sinh khi nào? 

Các giao dịch ngoại tệ phát sinh khi một doanh nghiệp:

- Mua hoặc bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà giá cả được xác định bằng ngoại tệ

- Vay hoặc cho vay các khoản tiền mà số phải trả hoặc phải thu được xác định bằng ngoại tệ

- Trở thành một đối tác (một bên) của một hợp đồng ngoại hối chưa được thực hiện

- Mua hoặc thanh lí các tài sản, phát sinh hoặc thanh toán các khoản nợ xác định bằng ngoại tệ

- Dùng một loại tiền tệ này để mua, bán hoặc đổi lấy một loại tiền tệ khác

Yêu cầu trong quản lí ngoại tệ

- Cung cấp các thông tin kế toán phục vụ cho việc lập BCTC và định kì phân tích hoạt động kinh tế liên quan đến các giao dịch kinh tế bằng ngoại tệ

- Quản lí số hiện có và tình hình biến động của các loại ngoại tệ theo nguyên tệ trong doanh nghiệp

- Quản lí số hiện có và tình hình biến động của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trong kì theo đơn vị tiền tệ kế toán

- Quản lí các khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kì

- Quản lí các khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ vào cuối kì kế toán.

Nhiệm vụ kế toán các giao dịch bằng ngoại tệ

Phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác:

 - Số hiện có và tình hình biến động của các loại ngoại tệ theo nguyên tệ trong doanh nghiệp

- Số hiện có và tình hình biến động của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trong kì theo đơn vị tiền tệ kế toán

- Các khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kì

- Các khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ vào cuối kì kế toán

Nguyên tắc kế toán các giao dịch bằng ngoại tệ

- Việc hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải được qui đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán. Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải căn cứ tỉ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ để ghi sổ kế toán

- Đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (Tiền, Nợ phải thu, Nợ phải trả, các khoản đặt cọc, kí cược, kí quĩ , đi vay , cho vay bằng ngoại tệ): Khi phát sinh tăng được qui đổi và ghi nhận theo tỉ giá giao dịch thực tế, phát sinh giảm được qui đổi và ghi nhận theo tỉ giá ghi sổ

- Đối với các khoản mục phi tiền tệ có gốc ngoại tệ (Doanh thu, chi phí, vật tư, TSCĐ...): Khi phát sinh được qui đổi và ghi nhận theo tỉ giá giao dịch thực tế tại ngày phát sinh

- Tại thời điểm lập BCTC phải thực hiện đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỉ giá giao dịch thực tế

- Trường hợp mua - bán ngoại tệ thì được qui đổi theo tỉ giá thực tế mua - bán (tỉ giá kí kết trong hợp đồng)

Các loại tỉ giá hối đoái (gọi tắt là tỉ giá) sử dụng trong kế toán

Các doanh nghiệp có nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải thực hiện ghi sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính theo một đơn vị tiền tệ thống nhất là Đồng Việt Nam, hoặc đơn vị tiền tệ chính thức sử dụng trong kế toán. Việc qui đổi đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam phải căn cứ vào:

- Tỉ giá giao dịch thực tế

- Tỉ giá ghi sổ

Tỉ giá giao dịch thực tế

Tỉ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ: Là tỉ giá kí kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại

Trường hợp hợp đồng không qui định tỉ giá thanh toán thì doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo nguyên tắc:

+ Tỉ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu (trả): Là tỉ giá mua (bán) của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh

+ Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ, tỉ giá giao dịch thực tế là tỉ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán

+ Tỉ giá giao dịch thực tế khi góp vốn hoặc nhận vốn góp: Là tỉ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn

Tỉ giá ghi sổ

Tỉ giá ghi sổ gồm: Tỉ giá ghi sổ thực tế đích danh hoặc tỉ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động (Tỉ giá bình quân gia quyền sau từng lần nhập)

- Tỉ giá ghi sổ thực tế đích danh: Là tỉ giá khi thu hồi các khoản nợ phải thu, các khoản kí cược, kí quĩ hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, được xác định theo tỉ giá tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc tại thời điểm đánh giá lại cuối kì của từng đối tượng.

Tỉ giá ghi sổ thực tế đích danh được sử dụng để qui đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với các loại tài khoản sau:

+ Bên Có các TK phải thu (ngoại trừ giao dịch nhận trước tiền của người mua)

+ Bên Nợ TK phải thu khi tất toán khoản tiền nhận trước của người mua do đã chuyển giao sản phẩm, hàng hóa, TSCĐ, cung cấp dịch vụ, khối lượng được nghiệm thu

+ Bên Có các TK khoản kí cược, kí quĩ, chi phí trả trước

+ Bên Nợ các TK phải trả (ngoại trừ giao dịch trả trước tiền cho người bán)

+ Bên Có TK phải trả khi tất toán khoản tiền ứng trước cho người bán do đã nhận được sản phẩm, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ, nghiệm thu khối lượng

Trường hợp trong kì phát sinh nhiều khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ với cùng một đối tượng thì tỉ giá ghi sổ thực tế đích danh cho từng đối tượng được xác định trên cơ sở bình quân gia quyền di động của các giao dịch với đối tượng đó.

- Tỉ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động là tỉ giá được xác định trên cơ sở lấy tổng giá trị được phản ánh tại bên Nợ tài khoản tiền chia cho số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán.

Tỉ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động được sử dụng để qui đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán ở bên Có các TK tiền.

(Nguồn tham khảo: Giáo trình Kế toán tài chính 2, Học viện Tài chính)


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tuệ Thi

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.