|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp tổng hợp và cân đối kế toán là gì?

17:10 | 06/09/2019
Chia sẻ
Phương pháp tổng hợp và cân đối kế toán là phương pháp kế toán tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theo các mối quan hệ cân đối vốn có của kế toán.
picture-id831121290

Hình minh hoạ (Nguồn: paysimple)

Phương pháp tổng hợp và cân đối kế toán

Khái niệm

Phương pháp tổng hợp và cân đối kế toán là phương pháp kế toán tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theo các mối quan hệ cân đối vốn có của kế toán nhằm cung cấp thông tin cho những người ra quyết định và phục vụ công tác quản lí trong doanh nghiệp.

Phương pháp này cung cấp một cách khái quát tình hình tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, cung cấp số liệu về tình hình kinh doanh và kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong một kì kinh doanh. 

Các thông tin trên các báo cáo kế toán rất hữu ích cho các nhà quản lí cũng như các đối tượng liên quan bên ngoài doanh nghiệp. 

Các bảng tổng hợp cân đốI kế toán là hình thức biểu hiện của phương pháp tổng hợp cân đối kế toán thường được gọi là các báo cáo kế toán. 

Các báo cáo kế toán gồm 2 nhóm: 

- Nhóm tổng hợp cân đối tổng thể như cân đối vốn và nguồn vốn, cân đối giữa thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh, cân đối dòng tiền...

- Nhóm cân đối bộ phận như cân đối thu chi, cân đối từng loại tài sản với sổ chi tiết từng loại, cân đối từng loại nguồn vốn với sổ chi tiết từng loại.

Đối tượng nghiên cứu của kế toán

Đối tượng nghiên cứu của kế toán tài chính nói chung

Đối tượng nghiên cứu của kế toán tài chính là tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận động của tài sản.

- Tài sản: Là nguồn lực của doanh nghiệp, do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai. 

Tài sản của đơn vị kế toán có thể được phân loại thành:

+ Tài sản ngắn hạn: Là những tài sản có thể chuyển đổi thành tiền, hoặc có thể bán, hoặc có thể sử dụng trong vòng một năm hoặc một chu kì kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

+ Tài sản dài hạn: Là những tài sản có giá trị lớn và được sử dụng nhiều hơn một năm hoặc một chu kì kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

- Nguồn vốn: Là nguồn hình thành nên tài sản. 

Nguồn vốn được phân loại thành:

+ Nợ phải trả: Là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình. 

+ Vốn chủ sở hữu: Là giá trị vốn của doanh nghiệp, được tính bằng số chênh lệch giữa tài sản của doanh nghiệp trừ đi nợ phải trả.

(Tài liệu tham khảo: Khái quát về kế toán và báo cáo tài chính, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi