|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp tài khoản kế toán là gì? Các yếu tố cấu thành

16:35 | 06/09/2019
Chia sẻ
Phương pháp tài khoản kế toán là phương pháp kế toán phân loại các đối tượng kế toán để thông tin và kiểm tra một cách thường xuyên, liên tục và có hệ thống tình hình và sự vận động của từng đối tượng kế toán.
ACCA-or-accounting-degree-which-course-is-better-Feature-2-770x470

Hình minh hoạ (Nguồn: leaderonomics)

Phương pháp tài khoản kế toán

Khái niệm

Phương pháp tài khoản kế toán hay phương pháp kế toán tạm dịch sang tiếng Anh là account method.

Phương pháp tài khoản kế toán là một trong những phương pháp kế toán tài chính.

Kế toán tài chính là việc thu thập, xử lí, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng các báo cáo tài chính cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của các đơn vị kế toán như: nhà quản lí, nhà đầu tư, ngân hàng, các nhà cung cấp, các cơ quan thống kê, sở kế hoạch và đầu tư hay cơ quan thuế...

Phương pháp tài khoản kế toán là phương pháp kế toán phân loại các đối tượng kế toán để thông tin và kiểm tra một cách thường xuyên, liên tục và có hệ thống tình hình và sự vận động của từng đối tượng kế toán.

Đây là phương pháp nối liền giữa việc lập chứng từ kế toán với việc tóm tắt, tổng hợp và trình bày các thông tin kinh tế, tài chính trong hệ thống bảng cân đối kế toán và là phương pháp cơ bản không thể thiếu trước khi tổng hợp cân đối kế toán.

Các yếu tố cấu thành phương pháp

Các yếu tố cấu thành nên phương pháp là tài khoản và ghi sổ kép.

- Tài khoản kế toán

Tài khoản là một công cụ, một phương tiện của kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính theo nội dung kinh tế.

Hệ thống tài khoản kế toán gồm các tài khoản kế toán cần sử dụng. Mỗi đơn vị kế toán phải sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán. 

Hệ thống tài khoản kế toán hiện hành được qui định trong Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC, ngày 20/03/2006.

- Quan hệ đối ứng và ghi sổ kép

Quan hệ đối ứng: Là biểu thị mối quan hệ 2 mặt giữa tài sản và nguồn vốn hay biểu thị mối quan hệ tăng hoặc giảm của tài sản hay nguồn vốn.

Thông thường, các mối quan hệ đối ứng sau thường phát sinh:

+ Tài sản tăng, tài sản giảm

+ Tài sản tăng, nguồn vốn tăng

+ Nguồn vốn tăng, nguồn vốn giảm 

+ Tài sản giảm, nguồn vốn giảm

Căn cứ trên mối quan hệ đối ứng này, kế toán sẽ tiến hành ghi sổ kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

(Tài liệu tham khảo: Khái quát về kế toán và báo cáo tài chính, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi