|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ngân hàng thương mại (Commercial Bank) là gì? Chức năng của Ngân hàng thương mại

09:29 | 13/08/2019
Chia sẻ
Ngân hàng thương mại (Commercial Bank) là hình thái ra đời sớm nhất, gắn liền với sự xuất hiện của hoạt động ngân hàng. Do đó, nó có các chức năng đặc trưng cần chú ý.
media_caspianmedia_comimagea9ba8df2604710d51a4e6c99a54b471c-e57fa7d626738a50f5bb9b83bfc5f43c98f70c43_CFMT

Hình minh họa: Tạp chí tài chính.

Ngân hàng thương mại

Khái niệm

Ngân hàng thương mại trong tiếng Anh là Commercial Bank.

Ngân hàng thương mại là một tổ chức tín dụng chuyên kinh doanh tiền tệ và các hoạt động ngân hàng vì mục tiêu lợi nhuận.

Căn cứ theo hình thức pháp lí: " Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận". (Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đặc điểm

- Là một định chế tài chính trung gian.

- Hoạt động đa dạng và tổng hợp nhiều nghiệp vụ, dịch vụ.

- Thu hút nguồn vốn trước hết bằng huy động tiền gửi, phát hành kì phiếu, trái phiếu, sau đó sử dụng nguồn vốn này thực hiện cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng. Ngoài ra còn có các dịch vụ khác: Thanh toán, chuyển tiền, bảo lãnh, ủy thác,...

- Thông qua hoạt động cho vay và thanh toán, hệ thống các ngân hàng thương mại có thể tạo ra lượng bút tệ, là bộ phận quan trọng trong khối cung tiền tệ của nền kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

-  Ngoài ra, tổng tài sản của ngân hàng thương mại luôn là khối lượng tài sản lớn nhất trong toàn hệ thống ngân hàng thương mại.

Chức năng của ngân hàng thương mại

Chức năng thủ quĩ:

Với chức năng này, ngân hàng thương mại nhận tiền gửi, giữ tiền, bảo quản tiên, thực hiện yêu cầu rút tiền, chi tiền cho khách hàng của mình là các chủ thể trong nền kinh tế. 

Chức năng thủ quĩ góp phần tạo ra lợi ích cho các chủ thể khác nhau: 

Đối với khách hàng, chức năng thủ quĩ giúp cho khách hàng ngoài việc đảm bảo an toàn tài sản của mình thì còn giúp sinh lời được đồng vốn tạm thời thừa. 

Đối với ngân hàng, có được nguồn vốn để ngân hàng thực hiện chức năng tín dụng và là cơ sở để ngân hàng thực hiện được chức năng trung gian thanh toán. 

Đối với nền kinh tế, chức năng thủ quĩ khuyến khích tích luĩ trong xã hội đồng thời tập trung nguồn vốn tạm thời thừa để phục vụ phát triển kinh tế.

Chức năng trung gian thanh toán

Chức năng này, ngân hàng thương mại thay mặt khách hàng trích tiền trên tài khoản trả cho người thụ hưởng hoặc nhận tiền vào tài khoản.

Chức năng này đem lại lợi ích: 

Đối với khách hàng hàng,  thanh toán một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Đối với ngân hàng, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn tiền gửi thông qua cung ứng một dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có chất lượng cao. 

Đối với nền kinh tế, chức năng này lưu thông hàng hoá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả quá trình tái sản xuất xã hội, đồng thời nó cũng giúp làm giảm khối lượng tiền mặt dẫn đến tiết kiệm chi phí lưu thông tiền mặt.

Chức năng trung gian tín dụng

Ngân hàng thương mại là cầu nối giữa người thừa vốn và người thiếu vốn.

Chức năng này đem lại lợi ích cho các chủ thể như sau: 

Đối với khách hàng, là người gửi tiền, họ sẽ thu lợi từ nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của mình dưới hình thức tiền lãi, an toàn tiền gửi, tiện ích. Với người đi vay, giúp cho các chủ thể trong nền kinh tế thoả mãn cầu vốn tạm thời thiếu hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian, tiện lợi, an toàn và hợp pháp. 

Đối với ngân hàng, chức năng này là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển ngân hàng thông qua lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi, đồng thời nó là cơ sở để ngân hàng thương mại tạo bút tệ góp phần tăng qui mô tín dụng cho nền kinh tế. 

Đối với nền kinh tế, chức năng này giúp điều hoà vốn tiền tệ từ nơi tạm thời dư thừa đến nơi tạm thời thiếu hụt góp phần phát triển sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh).

Thanh Hoa