Qui trình tín dụng (Credit Procedures) là gì? Sơ đồ qui trình tín dụng
(Hình minh họa: Nguồn Hỗ trợ tín dụng).
Qui trình tín dụng (Credit Procedures)
Qui trình tín dụng trong tiếng Anh gọi là Credit Procedures.
Qui trình tín dụng là toàn bộ qui tắc, qui định mà ngân hàng đặt ra được thực hiện mang tính chất bắt buộc theo một trình tự nhất định nhằm đạt được mục tiêu trong hoạt động tín dụng mà ngân hàng đã hoạch định.
Ý nghĩa của qui trình tín dụng
Về mặt hiệu quả, một qui trình tín dụng hợp lí sẽ giúp cho ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Về mặt quản lí, qui trình tín dụng có tác dụng:
- Làm cơ sở cho việc phân định quyền, trách nhiệm cho các bộ phận trong hoạt động tín dụng.
- Làm cơ sở để thiết lập các hồ sơ, thủ tục vay vốn.
Một qui trình tín dụng căn bản
Bước 1: Lập hồ sơ vay vốn
Cán bộ tín dụng căn cứ vào chế độ thể lệ tín dụng của từng loại cho vay để hướng dẫn người vay thành lập hồ sơ vay vốn. Về cơ bản, hồ sơ vay vốn gồm:
(1) Hồ sơ pháp lí, bao gồm:
- Đối với doanh nghiệp: Giấy phép thành lập, điều lê, giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, quyết định bổ nhiệm giám đốc, nghị quyết hội đồng thành viên/ hội đồng quản trị,…
- Đối với cá nhân: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư,…
(2) Hồ sơ tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm: Kế hoạch sản xuất kinh doanh trong kì, hợp đồng kinh tế, bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, tờ khai thuế VAT, báo cáo thực hiện kế hoạch kinh doanh sản xuất,…
(3) Hồ sơ vay vốn (cho mỗi lần vay hoặc một hợp đồng tín dụng), bao gồm: Giấy đề nghị vay vốn, dự án/phương án sản xuất kinh doanh, giấy tờ bảo đảm tiền vay theo qui định.
Bước 2: Phân tích tín dụng
Xác định khả năng hiện tại và tương lại của khách hàng trong việc sử dụng vốn vay và hoàn trả nợ vay.
Mục tiêu:
- Hạn chế tình trạng thông tin không cân xứng
- Đánh giá chính sách mức độ rủi ro của khách hàng.
- Đánh giá chính xác nhu cầu vay vốn của khách hàng
Để có cơ sở phân tích tín dụng trong thực tế các ngân hàng có thể kiếm được thông tin khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau: Từ hồ sơ vay vốn, phỏng vấn người xin vay, sổ sách ngân hàng, các nguồn tin bên ngoài, điều tra thẩm định địa điểm kinh doanh của người vay,...
Bước 3: Quyết định tín dụng
Ngân hàng sẽ ra quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho vay đối với một hồ sơ vay vốn của khách hàng.
Trong thực tế, ngân hàng rất sợ gặp phải 2 sai lầm:
- Quyết định chấp thuận mà khách hàng lại không có khả năng trả nợ
- Quyết định không chấp thuận mà khách hàng có khả năng hoàn trả vốn tín dụng đúng hạn.
Nội dung:
- Trường hợp từ chối cho vay ngân hàng phải có văn bản thông báo và nêu lí do từ chối.
- Trường hợp chấp thuận thì quyết định cho vay gồm các nội dung: Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay.
Bước 4: Giải ngân
Giải ngân là nghiệp vụ cấp tiền cho khách hàng hay phát tiền vay trên cơ sở mức tín dụng đã cam kết theo hợp đồng.
Nguyên tắc giải ngân: phải gắn liền sự vận động tiền tệ với sự vận động hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan, nhằm kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và đảm bảo khả năng thu nợ. Nhưng đồng thời cũng phải tạo sự thuận lợi, tránh gây phiền hà cho công việc sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Bước 5: Giám sát tín dụng
Giám sát món vay hiệu quả sẽ làm giảm tổn thất tín dụng thông qua việc phát hiện và đánh giá vấn đề sớm nhất có thể. Đồng thời, nó cũng giúp phát hiện những cơ hội kinh doanh mới.
Nội dung giám sát bao gồm: Theo dõi khoản vay, xếp hạng tín dụng theo mức độ rủi ro.
Bước 6: Thanh lí tín dụng
- Thu hồi, gia hạn nợ
- Thanh lí tín dụng
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình tín dụng Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao động- Xã hội).