Điểm mua hàng (Point of Purchase) là gì? Ví dụ thực tiễn về điểm mua hàng
Hình minh họa. Nguồn: midwestsign.com
Điểm mua hàng
Khái niệm
Điểm mua hàng trong tiếng Anh là Point of Purchase, viết tắt là POP.
Điểm mua hàng là thuật ngữ được các nhà tiếp thị và nhà bán lẻ sử dụng khi lập kế hoạch xếp đặt vị trí sản phẩm, chẳng hạn như việc trưng bày sản phẩm ở vị trí chiến lược trong lối đi của cửa hàng tạp hóa hoặc được quảng cáo trên tờ rơi hàng tuần.
Điểm mua hàng là một khu vực bao quanh điểm bán hàng, nơi khách hàng thường nhìn thấy các hoạt động quảng cáo, khuyến mại hoặc các sản phẩm khác.
Trong những năm gần đây, điểm mua hàng cho sản phẩm và dịch vụ là một lĩnh vực thu hút sự tập trung của các nhà tiếp thị. Điểm mua hàng có thể là địa điểm thật như trong các cửa hàng trên phố, hoặc là một địa điểm ảo như trong trường hợp của các nhà bán lẻ trực tuyến.
Trong cả hai trường hợp, các nhà tiếp thị và nhà bán lẻ phải xác định cách tốt nhất để trưng bày sản phẩm và dịch vụ của họ.
Thuật ngữ liên quan: Điểm bán hàng
Điểm bán hàng là một bộ phận quan trọng của điểm mua hàng, đây là nơi mà khách hàng mua và thanh toán cho các sản phẩm, chẳng hạn như trên trang web hoặc tại quầy thanh toán tại cửa hàng và là nơi khách hàng nhận được hóa đơn mua sắm hoặc lập các đơn đặt hàng.
Thông thường, các cửa hàng thiết lập điểm mua hàng gần lối ra để tăng tỉ lệ mua hàng ngẫu hứng của khách hàng khi rời đi.
Ví dụ thực tiễn về điểm mua hàng
Theo Báo cáo thị trường trưng bày điểm mua hàng toàn cầu năm 2018, thị trường trưng bày hàng hóa tại các điểm mua hàng toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,9% từ năm 2018 đến năm 2026.
Mặc dù mua sắm trực tuyến dường như một lựa chọn phổ biến hiện nay, vẫn còn rất nhiều khách hàng yêu thích mua sắm tại các cửa hàng thực.
Để duy trì khả năng cạnh tranh và hỗ trợ các chủ sở hữu thương hiệu trong việc quảng bá sản phẩm, các nhà sản xuất trưng bày hàng hóa tại điểm mua hàng tập trung vào việc cải thiện tính thẩm mĩ, cũng như tạo ra các thiết kế sản phẩm sáng tạo.
Ngoài ra, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành bán lẻ và việc sử dụng trưng bày sản phẩm tại các điểm mua hàng nhằm lôi kéo khách hàng mua sản phẩm đã khuyến khích các nhà bán lẻ yêu cầu các tùy chỉnh trưng bày sản phẩm riêng biệt có khả năng phục vụ các nhu cầu cụ thể tại các cơ sở bán lẻ khác nhau.
Các tùy chỉnh về mặt thẩm mĩ, chức năng và tính di động có thể ảnh hưởng lớn đến mức độ nhận dạng thương hiệu của công ty.
(Theo investopedia)