|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng là gì? Phân loại

17:47 | 13/11/2019
Chia sẻ
Phương pháp lập chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng cũng mang những nét chung như ở các ngành kinh doanh khai thác, đồng thời cũng có một số nét riêng biệt.
71534021_580869952448990_1799409190410649600_n

Hình minh họa (Nguồn: unitrain.edu.vn)

Chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 

Khái niệm

Chiến lược sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp là một tập hợp các đề xuất chung nhất, cơ bản nhất để hướng dẫn mọi hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian đủ dài về phương hướng mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu, các quan điểm chủ yếu, các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu chiến lược đã đề ra dựa trên cơ sở tình hình khách quan của môi trường kinh doanh, thực lực của doanh nghiệp và mong muốn của doanh nghiệp. 

Chiến lược cụ thể hơn đường lối nhưng lại kém cụ thể hơn kế hoạch.

Phân loại chiến lược sản xuất kinh doanh

1. Phân loại theo tính chất và tầm quan trọng

Theo tính chất và tầm quan trọng, phân ra:

- Chiến lược thể chế (hay chiến lược cương lĩnh) có tác dụng làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp và là một tập hợp các đề xuất có tính chất đặc trưng cơ bản về các mặt như: 

+ Ước muốn và mục đích của hoạt động kinh doanh.

+ Bản chất động cơ, quan điểm, lập trường, triết lí và tầm nhìn của hoạt động kinh doanh.

+ Loại hình tổ chức kinh doanh, phương châm và cách thức hành động tổng quát.

+ Phương thức kết hợp các loại lợi ích xã hội bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

- Chiến lược công ty (chiến lược của doanh nghiệp) là chiến lược bao trùm lên mọi hoạt động của doanh nghiệp và được hiểu là việc xác định chiến lược hoạt động mà trong đó doanh nghiệp quyết định cạnh tranh theo những lĩnh vực sản phẩm hay dịch vụ nào kèm theo việc phân phối các nguồn lực giữa các lĩnh vực ấy.

Về một phương diện nào đó chiến lược công ty được coi là một chiến lược về cơ cấu sản xuất - kinh doanh. Trong chiến lược này, doanh nghiệp phải quyết định kinh doanh theo mặt hàng nào, số lượng là bao nhiêu, kèm theo việc phân phối nguồn lực, kế hoạch đầu tư...

- Chiến lược kinh doanh được hiểu là chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp trên một lĩnh vực kinh doanh xác định, với một vị trí đã xác định. Chiến lược này chủ yếu trả lời câu hỏi kinh doanh như thế nào trong một lĩnh vực đã biết. Chiến lược kinh doanh hẹp hơn chiến lược công ty. 

2. Phân loại theo tính chất tĩnh hay động

Theo tính chất tĩnh hay động chiến lược sản xuất kinnh doanh gồm các loại:

- Chiến lược cơ cấu thể thiện cơ cấu chủng loại và số lượng của sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp, thông qua đó là chiến lược cơ cấu đầu tư (phần tĩnh). 

- Chiến lược quá trình thể hiện ở giai đoạn sản xuất kinh doanh, tốc độ và bước đi cũng như trình tự giải quyết vấn đề của doanh nghiệp.

3. Phân loại theo chức năng

Có các loại chiến lược cung ứng, chiến lược sản xuất sản phẩm, chiến lược khoa học công nghệ, chiến lược tiêu thụ, chiến lược marketing, chiến lược đầu tư, chiến lược về tài chính, chiến lược tổ chức quản lí và nhân sự, chiến lược an toàn kinh doanh, chiến lược thông tin, chiến lược cạnh tranh, chiến lược phúc lợi xã hội. 

Trong đó, chiến lược cạnh tranh vì lợi nhuận, an toàn kinh doanh và lợi ích của toàn doanh nghiệp là bao trùm lên tất cả. 

4. Phân loại theo mặt hàng dịch vụ hay sản phẩm: Có các chiến lược cho các đơn vị kinh doanh theo từng mặt hàng sản phẩm.

5. Phân loại theo vùng địa lí: có chiến lược kinh doanh ở các vùng và các nước khác nhau. 

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản lí nhà nước về Kinh tế và Quản trị kinh doanh trong xây dựng, NXB Xây Dựng)

Đỗ Đức Nhượng