|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu là gì?

11:27 | 08/03/2020
Chia sẻ
Chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu còn được gọi là chiến lược hướng ngoại.
Chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu

Chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu còn được gọi là chiến lược hướng ngoại. Chiến lược hướng ngoại được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước Mỹ Latinh từ những năm 50 và các nước Đông Bắc Á những năm 60, sau đó phổ biến sang các nước Đông Nam Á vào đầu những năm 70 của thế kỉ XX.

Trong đó, điển hình là sự thành công của các nước NICs - bốn con rồng châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong.

Nội dung chiến lược

- Bản chất của chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu là sử dụng các lợi thế tuyệt đối và lợi thế tương đối (lợi thế so sánh), hay những nhân tố sản xuất thuộc tiềm năng của đất nước trong phân công lao động quốc tế để đem lại lợi ích tối ưu cho quốc gia.

Chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu nhằm mở cửa nền kinh tế quốc dân để thu hút đầu tư vào khai thác tiềm năng lao động và tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

- Chiến lược sản xuất hướng về nhập khẩu nhấn mạnh ba vấn đề cơ bản:

+ Khuyến khích mở rộng xuất khẩu thay cho việc kiểm soát nhập khẩu để tiết kiệm ngoại tệ và kiểm soát tài chính.

+ Hạn chế bảo hộ ngành công nghiệp trong nước, thay vào đó là nâng đỡ và hỗ trợ cho các ngành sản xuất hàng xuất khẩu.

+ Đảm bảo môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hệ thống các chính sách khuyến khích và kinh tế tự do để thu hút vốn, công nghệ, trình độ quản lí của nước ngoài.

Ưu điểm và hạn chế của Chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu

Ưu điểm

- Tận dụng được những lợi thế từ thị trường thế giới về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lí của các nước tiên tiến.

- Khai thác được tiềm năng, lợi thế so sánh của đất nước cho phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu.

- Có thị trường quốc tế rộng lớn cho tiêu thụ sản phẩm, kể cả thị trường các yếu tố đầu vào cho sản xuất.

Áp dụng chiến lược này, nhiều nước đang phát triển trong vài ba thập kỉ đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, một số ngành công nghiệp (chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu) đã đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngoại thương trở thành "đầu tàu" của nền kinh tế.

Hạn chế

- Do quá tập trung cho sản xuất hàng xuất khẩu và các ngành có liên quan nên có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các ngành xuất khẩu và các ngành không xuất khẩu.

- Nền kinh tế gắn chặt với thị trường thế giới, dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi những biến đổi thăng trầm và chịu sự chi phối của thị trường các nước lớn và các thị trường xuất khẩu chủ yếu.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Tài chính)

Thanh Tùng