|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu là gì?

18:55 | 01/03/2020
Chia sẻ
Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu đã được hầu hết các nước công nghiệp phát triển thực hiện trong thế kỉ 19.
Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu

Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu đã được hầu hết các nước công nghiệp phát triển  thực hiện trong thế kỉ 19. Trong những năm 50 và nửa đầu những năm 60 của thế kỉ 20 thì sản xuất thay thế nhập khẩu trở thành chiến lược phát triển kinh tế chủ đạo của các nước đang phát triển.

Nội dung của chiến lược

- Nhà nước lập kế hoạch xác định số lượng và chủng loại hàng hóa phải nhập khẩu trong một năm.

- Lập phương án để tổ chức sản xuất đáp ứng đại bộ phận nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho thị trường nội địa.

- Đảm bảo cho các nhà sản xuất trong nước có thể làm chủ được công nghệ sản xuất hoặc các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp công nghệ, vốn và quản lí hướng vào việc cung cấp cho thị trường nội địa là chính.

- Lập các hàng rào bảo hộ để hỗ trợ cho sản xuất trong nước.

Ưu điểm của chiến lược

- Áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu đã đem lại sự mở mang nhất định cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Mở rộng phân công lao động trong nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

- Quá trình đô thị hóa bắt đầu tăng, bước đầu hình thành các chủ doanh nghiệp có đầu óc kinh doanh.

- Do thực hiện chính sách bảo hộ nên nền kinh tế trong nước tránh được sự ảnh hưởng xấu từ thị trường thế giới.

Nhược điểm

- Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu thực chất nhằm thỏa mãn nhu cầu trong nước là chính, chú trọng nhiều đến tự cấp của thị trường nội địa, ngoại thương không được coi trọng, hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào khai thác tiềm năng của đất nước cho phát triển kinh tế.

- Các nước đang phát triển trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, nền kinh tế thiếu thốn đủ thứ, tổng cầu vượt quá tổng cung, thường thông qua nhập khẩu để cân bằng.

Xu hướng này không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Nếu hạn chế quá mức nhập khẩu, thực hiện chính sách bảo hộ không phù hợp sẽ giảm tốc độ phát triển kinh tế.

- Chiến lược này làm giảm cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Do chính sách bảo hộ của Nhà nước, nên khi gặp khó khăn thì phản ứng tự nhiên của các nhà sản xuất kinh doanh là quay sang Chính phủ để trông chờ bảo hộ.

Do đó, đáng lẽ bảo hộ giảm dần theo thời gian thì các nhà sản xuất kinh doanh lại trông chờ bảo hộ tăng lên. Điều đó làm cho doanh nghiệp ỷ lại vào nhà nước, không năng động, hiệu quả kinh doanh thấp.

- Thực thi chiến lược này nảy sinh nhiều tiêu cực, bảo hộ bằng thuế dẫn đến tình trạng trốn lậu thuế, hối lộ đội ngũ thuế quan. Bảo hộ bằng hạn ngạch thì dẫn đến tình trạng hối lộ các quan chức phụ trách hạn ngạch nhập khẩu.

- Chiến lược thay thế nhập khẩu còn hạn chế xu hướng công nghiệp hóa của đất nước.

- Chiến lược này làm gia tăng nợ nước ngoài của các nước đang phát triển. Do được bảo hộ, nên các sản phẩm sản xuất trong nước không có khả năng cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường quốc tế, trong khi vẫn phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên, nhiên vật liệu từ nước ngoài làm cho tình trạng nhập siêu của các nước này ngày càng gia tăng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Tài chính)

Thanh Tùng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.