|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Xuất khẩu gián tiếp (Indirect exporting) là gì? Thuận lợi và khó khăn

09:09 | 03/12/2019
Chia sẻ
Xuất khẩu gián tiếp (tiếng Anh: Indirect exporting) là một trong những cách thức để thâm nhập vào một thị trường.
Xuất khẩu trực tiếp

Hình minh họa (Nguồn: 123rf)

Xuất khẩu gián tiếp

Khái niệm

Xuất khẩu gián tiếp trong tiếng Anh gọi là: Indirect exporting.

Xuất khẩu gián tiếp là hình thức bán hàng và dịch cụ của công ty ra nước ngoài thông qua trung gian (thông qua người thứ ba). Các trung gian mua bán chủ yếu trong kinh doanh xuất khẩu là: đại lí, công ty quản lí xuất nhập khẩu và công ty kinh doanh xuất nhập khẩu. 

(Theo Giáo trình Kinh doanh quốc tế, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Lựa chọn cách thức để thâm nhập vào một thị trường cụ thể là một trong số những quyết định quan trọng nhất của nhà xuất khẩu vì nó có tác động đáng kể đến một loạt kế hoạch tiếp thị quốc tế. 

Khi lựa chọn một mô hình cách thức thâm nhập, nhà xuất khẩu phải xem xét những yếu tố tương ứng giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, cần bao nhiêu dịch vụ hậu mãi, thuế hải quan và vận chuyển, các yêu cầu về thời gian dẫn đầu, nhận thức về thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ và lợi thế cạnh tranh. 

Xuất khẩu gián tiếp là một trong những lựa chọn chính đối với việc tiếp cận thị trường.

Một doanh nghiệp dự định xuất khẩu nhưng lại không có cơ sở hạ tầng và kiến thức cần thiết thì có thể thực hiện việc xuất khẩu thông qua các đại lí ủy thác, các văn phòng mua bán địa phương, các nhà xuất khẩu thương mại hoặc các công ty phát triển xuất khẩu (EDC). 

Thuận lợi và khó khăn

Thuận lợi đối với doanh nghiệp là:

- Có thể tập trung vào sản xuất mà không cần phải quan tâm đến các vấn đề kĩ thuật và pháp lí về xuất khẩu; và 

- Hưởng lợi từ kiến thức chuyên môn của người trung gian.

Khó khăn là: 

- Khả năng mất sự kiểm soát đối với sản phẩm do người đại diện tham lam quá mức; và 

- Một số người trung gian có thể có những mục tiêu khác với nhà xuất khẩu. Trong trường hợp xuất khẩu gián tiếp, điều quan trọng là phải xác định rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường xuất khẩu nhằm tránh xung đột sau này. 

Cũng có các lựa chọn khác cho doanh nghiệp muốn xuất khẩu là liên doanh, li-xăng và xây dựng nhà máy sản xuất ở nước ngoài.

(Tài liệu tham khảo: Những điều cần biết về sở hữu trí tuệ, Trung tâm Thương mại quốc tế và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới)

Tuyết Nhi