|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược đại dương xanh (Blue Ocean Strategy) là gì? Nguyên tắc hình thành và thực hiện

17:45 | 12/10/2019
Chia sẻ
Chiến lược đại dương xanh (tiếng Anh: Blue Ocean Strategy) là chiến lược phát triển và mở rộng thị trường trong đó không có cạnh tranh hoặc sự cạnh tranh là không cần thiết.
How-to-formulate-a-successful-HR-Blue-Ocean-Strategie1

Hình minh họa. Nguồn: JobStreet.com

Chiến lược đại dương xanh (Blue Ocean Strategy)

Định nghĩa

Chiến lược đại dương xanh trong tiếng Anh là Blue Ocean Strategy. Chiến lược đại dương xanh là chiến lược phát triển và mở rộng thị trường trong đó không có cạnh tranh hoặc sự cạnh tranh là không cần thiết.

Các nghiên cứu định nghĩa đại dương xanh là những khoảng trống thị trường chưa được khai phá, gắn liền với lợi nhuận tiềm năng cao.

Sự hình thành và phát triển của chiến lược đại dương xanh

- "Đại dương xanh" là một thuật ngữ tiếng lóng được tạo ra vào năm 2005. 

- Đại dương xanh bao gồm tất cả các ngành hiện chưa tồn tại, đó là do khoảng trống thị trường chưa được biết đến, bởi những nhu cầu mới được tạo ra và triển vọng mang lại lợi nhuận cao.

- Ý tưởng đằng sau thuật ngữ này là thách thức và mong muốn các công ty phá vỡ đại dương đỏ của cuộc cạnh tranh thương trường khốc liệt bằng cách tạo ra các khoảng trống thị trường không có cạnh tranh.

- Với quan điểm không có công ty nào thành công mãi mãi, không có ngành công nghiệp nào hoàn hảo mãi mãi, W. Chan Kim và Renee Mauborgne cho rằng các tập đoàn lớn hay bất cứ doanh nghiệp nào, trên con đường hình thành và phát triển cũng không thể tránh khỏi những thất bại.

Điều quan trọng là phải biết rút kinh nghiệm, phải hiểu rõ các điểm mạnh, điểm yếu của bản thân doanh nghiệp và biết lựa chọn các cơ hội kinh doanh phù hợp.

- Từ đó, W. Chan Kim và Renee Mauborgne đã cho ra đời cuốn sách "Blue Ocean Strategy: How to Create Uncontested Market Space and Make the Competition Irrelevant (2005)"

Ý nghĩa

- Đại dương xanh là cơ hội lớn và công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp. Cơ hội cho đại dương xanh có mặt ở tất cả mọi nơi, khi nào cơ hội đó được phát triển thì thị trường sẽ càng được mở rộng.

- Nhiều quan điểm cho rằng việc mở rộng và vượt ra khỏi biên giới ngành kinh doanh hiện có là hết sức rủi ro đối với doanh nghiệp, tuy nhiên cũng cần phải biết rằng ngay cả trong đại dương đỏ sẵn có thì phạm trù chiến lược vẫn luôn luôn gắn với yếu tố rủi ro.

Như vậy trong đại dương xanh hay đại dương đỏ thì vẫn luôn tồn tại yếu tố cơ hội và rủi ro.

Nguyên tắc hình thành và thực hiện chiến lược đại dương xanh

W. Chan Kim và Renee Mauborgne đã đưa ra 6 nguyên tắc cơ bản để hình thành và thực hiện thành công chiến lược đại dương xanh.

- Bốn nguyên tắc đầu tiên được dùng để xác định và hình thành chiến lược đại dương xanh bao gồm:

+ Nguyên tác xác định các hướng đi để hình thành khoảng thị trường không có cạnh tranh và giảm bớt các rủi ro trong việc tìm kiếm.

+ Nguyên tắc thiết kế qui trình hoạch định chiến lược nhằm giúp doanh nghiệp tạo ra những đột phá.

+ Nguyên tắc tối đa hóa qui mô của đại dương xanh nhằm tạo ra thị trường lớn nhất cho một nhu cầu mới.

+ Nguyên tắc xác định mô hình chiến lược cho phép doanh nghiệp xây dựng được mô hình kinh doanh vững chắc nhằm đạt được sự tăng trưởng cao và bền vững.

- Hai nguyên tắc cuối cùng giúp cho doanh nghiệp thực hiện thành công chiến lược đã xác định một cách hiệu quả:

+ Nguyên tắc giúp nhà quản lí vượt qua được những rào cản về nhận thức, động cơ, chính trị để vận động cả tập thể vượt qua những rào cản về mặt tổ chức nhằm thực hiện thành công chiến lược đại dương xanh dù bị giới hạn về thời gian và nguồn lực.

+ Xây dựng qui trình hợp lí tạo điều kiện cho việc hình thành và thực hiện chiến lược đại dương xanh.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị chiến lược, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Blue Ocean, Investopedia)

Minh Lan