Chiến lược hội nhập về phía sau (Backward integration strategy) là gì?
Hình minh họa
Chiến lược hội nhập về phía sau (Backward integration strategy)
Định nghĩa
Chiến lược hội nhập về phía sau trong tiếng Anh là Backward integration strategy. Chiến lược hội nhập về phía sau là chiến lược nhằm sở hữu hoặc gia tăng khả năng kiểm soát đối với nhà cung cấp.
Đặc trưng
- Chiến lược hội nhập về phía sau đặc biệt thích hợp trong trường hợp nhà cung cấp hiện tại của doanh nghiệp ở mức giá cao, không đáng tin cậy hoặc không đáp ứng được các yêu cầu nhất định.
- Tuy nhiên, trong một số ngành, thay vì hội nhập dọc theo cách truyền thống nhằm sở hữu các nhà cung ứng, các doanh nghiệp lại chủ trương đàm phán với các nhà cung ứng bên ngoài một cách rộng rãi để thu được lợi ích lớn nhất.
Khi đó, các doanh nghiệp mua sắm các yếu tố đầu vào từ khắp nơi, so sánh các nhà cung ứng với nhau để có thể đạt được thỏa thuận tốt nhất.
- Cạnh tranh toàn cầu thúc đẩy các doanh nghiệp giảm số lượng các nhà cung ứng và yêu cầu cao hơn về chất lượng và dịch vụ với các nhà cung ứng mà họ lựa chọn.
Mặc dù về truyền thống, có nhiều nhà cung cấp có thể đảm bảo cho doanh nghiệp mức giá cạnh tranh và tránh được sự gián đoạn sản xuất, các doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày nay cũng đã học tập phương pháp của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Nhật Bản là những người tiên phong theo chủ trương lựa chọn càng ít nhà cung cấp càng tốt nhưng thiết lập mối quan hệ rất gần gũi và dài hạn.
Các trường hợp sử dụng chiến lược hội nhập về phía sau
Theo Fred R.David, chiến lược hội nhập về phía sau có thể trở thành một chiến lược cạnh tranh rất hữu hiệu trong một số trường hợp sau đây:
- Khi các nhà cung ứng hiện tại của doanh nghiệp không đáng tin cậy, chi phí cao hoặc không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, về các linh kiện, thành phần, nguyên liệu thô.
- Khi số lượng các cung cấp thì ít và số lượng các đối thủ cạnh tranh thì nhiều.
- Khi các doanh nghiệp cạnh tranh trong một ngành có tốc độ tăng trưởng cao, điều này là cần thiết vì các loại chiến lược hội nhập (về phía trước, về phía sau, ngang) đều làm giảm khả năng đa dạng hóa của doanh nghiệp trong ngành suy giảm.
- Khi doanh nghiệp có đủ nguồn lực nhân sự và tài chính cần thiết để quản lí tốt lĩnh vực kinh doanh mới là hoạt động cung ứng nguyên vật liệu cho chính doanh nghiệp.
- Khi có sự ổn định về giá cả mang lại lợi thế cho doanh nghiệp, bởi vì doanh nghiệp có thể ổn định được giá cả và các yếu tố đầu vào và tổng giá thành sản xuất sản phẩm khi hội nhập dọc về phía sau.
- Khi nhà cung ứng hiện tại của doanh nghiệp có lợi nhuận cận biên cao, điều này cho thấy rằng hoạt động cung ứng hàng hóa và dịch vụ trong ngành là phát đạt.
- Khi một doanh nghiệp cần cung ứng các yếu tố đầu vào cần thiết một cách nhanh chóng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị chiến lược, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)