|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cạnh tranh bằng giá cả (Price competition) là gì? Cạnh tranh bằng giá cả có hiệu quả?

13:07 | 03/10/2019
Chia sẻ
Cạnh tranh bằng giá cả (tiếng Anh: Price competition) là hình thức cạnh tranh trong đó các nhà cung cấp tìm cách giành giật khách hàng bằng thủ đoạn bán hàng với giá thấp hơn giá bán của đối thủ cạnh tranh.
chien-luoc-canh-tranh-gia-1

Hình minh họa (Nguồn: sapo.vn)

Cạnh tranh bằng giá cả 

Khái niệm

Cạnh tranh bằng giá cả trong tiếng Anh là Price competition.

Cạnh tranh bằng giá cả là hình thức cạnh tranh trong đó các nhà cung cấp tìm cách giành giật khách hàng bằng thủ đoạn bán hàng với giá thấp hơn giá bán của đối thủ cạnh tranh. Cạnh tranh bằng giá cả đặc biệt có lợi cho người tiêu dùng khi nó góp phần hình thành giá cả phù hợp với chi phí cung ứng, vì điều này hàm ý thị trường hoạt động một cách có hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực và đẩy các nhà cung ứng kém hiệu quả, có chi phí cao ra khỏi thị trường.

Nếu đứng trên quan điểm của nhà sản xuất, thì cạnh tranh bằng giá cả là điều nên tránh, vì nó làm giảm lợi nhuận và có thể dẫn tới chiến tranh giá cả. Vì lí do này, các nhà sản xuất thường tìm mọi cách để tránh cạnh tranh về giá.

Cạnh tranh bằng giá cả có hiệu quả?

Vào những năm 90, tất cả các hãng hàng không đều cho ra đời những công ty thứ cấp nhằm cạnh tranh với những đối thủ cạnh tranh giá rẻ như Continental Lite, Delta Express, Buzz của hãng KLM, Snowflake của SAS, MetroJet của US Airways, Shuttle của United. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, những công ty thứ cấp này lâm vào cảnh thu lỗ hay phá sản.

Khi các công ty truyền thống nhận thấy không thể thắng trong cuộc chiến về giá với những công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ giá rẻ, họ sẽ cố gắng tạo sự khác biệt trong sản phẩm của mình, nỗ lực cùng tồn tại với đối thủ. Chiến lược này được triển khai dưới nhiều hình thức:

+ Thiết kế ra những sản phẩm bắt mắt như Apple và Bang&Olufsen đã làm

+ Sáng tạo liên tục theo đúng truyền thống của Gillete và 3M

+ Cung cấp trọn gói sản phẩm độc đáo như Sharper Image và Whole Foods đang tiến hành

+ Tạo ra thương hiệu mang nghĩa cộng đồng như Harley-Davidson và Red Bull đã làm

+ Bán kinh nghiệm của mình như Four Seasons, Nordstrom và Starbucks đang làm.

Tuy nhiên, nếu đa số khách hàng không có nhu cầu gia tăng thêm lợi ích, nhiều công ty có thể buộc phải "tham chiến" vào cuộc chiến giá cả. Ví dụ điển hình là hãng hàng không lớn nhất nước Anh British Airways ban đầu đã tỏ ra khinh thường những đối thủ cạnh tranh giá rẻ như EasyJet và Ryanair, nhưng rồi sau đó hãng đã thành lập một công ty hàng không giá rẻ có tên là Go. Thế nhưng công ty này nhanh chóng thất bại và buộc phải bán lại cho EasyJet vào năm 2000 và British Airways quay lại với lối kinh doanh truyền thống.

Luôn có phân khúc thị trường dành cho những doanh nghiệp chi phí thấp và doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ giá cao. Và việc giành được bao nhiêu phần trăm thị phần không chỉ phụ thuộc vào ngành công nghiệp mà doanh nghiệp đang tham gia lẫn sở thích tiêu dùng của khách hàng, mà còn phụ thuộc cả vào chiến lược doanh nghiệp đang áp dụng.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

TH