Đánh giá rủi ro (Risk assessment) là gì? Nội dung đánh giá rủi ro
Hình minh họa. Nguồn: lastminutemusicians
Đánh giá rủi ro (Risk assessment)
Định nghĩa
Đánh giá rủi ro trong tiếng Anh là Risk assessment. Đánh giá rủi ro là việc xác định và phân tích các rủi ro liên quan có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Nội dung đánh giá rủi ro
- Để xác định và phân tích các rủi ro, nhà quản trị cần:
+ Thiết lập các mục tiêu của tổ chức, trên cơ sở xác định các mục tiêu đã được xác định, nhà quản trị sẽ tiến hành phân tích, nhận dạng và quản trị rủi ro trong quá trình thực hiện.
+ Nhận dạng rủi ro: Rủi ro có thể được tác động ở mức toàn đơn vị hay ảnh hưởng đến một số bộ phận trong đơn vị.
Ở mức độ toàn đơn vị, các nhân tố phát sinh rủi ro có thể là: Sự đổi mới kĩ thuật, sự đổi mới sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, nhu cầu khách hàng thay đổi, các chính sách của Nhà nước thay đổi...
Trong phạm vi từng hoạt động như bán hàng, mua hàng... rủi ro có thể phát sinh và có thể tác động đến bản thân từng hoạt động trước khi gây ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ đơn vị.
Thông thưởng, rủi ro liên quan đến từng bộ phận xuất phát từ các chính sách của đơn vị. Do vậy để nhận dạng rủi ro, doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều phương pháp khác như: sử dụng phương pháp dự báo, phân tích các dữ liệu liên quan hay thường xuyên rà soát các hoạt động.
+ Phân tích và đánh giá rủi ro: Do rủi ro rất khó định lượng nên việc phân tích và đánh giá rủi ro thường khá phức tạp. Tuy nhiên qui trình phân tích và đánh giá rủi ro thường bao gồm các bước sau:
• Ước lượng thiệt hại có thể xảy ra: Thiệt hại càng lớn thì rủi ro càng nghiêm trọng.
• Xem xét khả năng xảy ra rủi ro: Xác suất xảy ra thiệt hại càng lớn thì rủi ro càng xảy ra thường xuyên hơn và số tiền thiệt hại sẽ lớn.
Số tiền thiệt hại lớn nhưng xác suất xảy ra nhỏ có thể không quan trọng bằng một rủi ro khác có thiệt hại nhỏ hơn nhưng xác suất xảy ra lại cao hơn nhiều.
• Biện pháp phòng ngừa: Trên cơ sở phân tích và đánh giá rủi ro, nhà quản trị cần phải thiết lập các thủ tục kiểm soát để có thể giảm thiểu thiệt hại do rủi ro gây ra.
Phòng ngừa và bảo vệ là những hoạt động cần có trong một hệ thống kiểm soát.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)