Biểu đồ mũi tên (Arrow Diagram) là gì? Lợi ích và các bước áp dụng
Biểu đồ mũi tên
Khái niệm
Biểu đồ mũi tên trong tiếng Anh được gọi là Arrow Diagram.
Biểu đồ mũi tên là một loại biểu đồ vạch thời gian biểu được sử dụng trong "kĩ thuật xem xét và đánh giá" (PERT). PERT là một kĩ thuật lập kế hoạch và thời gian biểu được xây dựng ở Mỹ vào năm 1957.
Biểu đồ mũi tên bao gồm một mạng mũi tên và các nút chỉ ra mối quan hệ giữa các nhiệm vụ cần thiết để thực hiện kế hoạch.
Các nhóm dự án và nhóm chất lượng thường sử dụng để vẽ và kiểm tra thời gian biểu giải quyết vấn đề. Khi tất cả các thành viên của nhóm cùng xây dựng biểu đồ mũi tên qua việc sử dụng các thẻ, việc kiểm soát tiến độ trở nên hiệu quả hơn nhiều.
Biểu đồ hình mũi tên cung cấp cho chúng ta một bức tranh trực quan về các hoạt động được triển khai để hỗ trợ cho công tác hoạch định và trao đổi thông tin về dự án.
Lợi ích
- Hiểu và quản lí dự án hay nhiệm vụ một cách toàn diện thông qua việc phân chia dự án thành các hoạt động và sắp xếp chúng theo thứ tự hợp lí.
- Xem xét toàn bộ nhiệm vụ và xác định được các khó khăn tiềm tàng trước khi bắt đầu công việc.
- Việc vẽ hệ thống mạng dẫn đến sự phát hiện ra những điểm có thể cải tiến mà có thể trước đó chưa được chú trọng.
- Cải tiến việc trao đổi thông tin giữa các thành viên trong nhóm, thúc đẩy sự hiểu biết và tạo điều kiện để sự thỏa thuận trở nên dễ dàng.
Biểu đồ hình mũi tên có thể được áp dụng trong giai đoạn đầu của các dự án để xác định thời gian và quản lí kế hoạch.
Áp dụng
Biểu đồ mũi tên được cấu tạo bởi các mũi tên đặc, mũi tên đen và các vòng tròn sử dụng theo các cách cụ thể.
Các bước thiết kế Biểu đồ mũi tên bao gồm:
Bước 1: Từ các chiến lược đã đề ra, chọn một chiến lược với các hoạt động cần thực hiện. Đây là mục tiêu của biểu đồ mũi tên.
Bước 2: Chỉ rõ mọi yêu cầu bắt buộc với các mục tiêu
Bước 3: Thảo luận về mục tiêu và lập danh mục tất cả các hoạt động cần thiết.
Bước 4: Khi đã tìm ra đầy đủ các hoạt động, viết tất cả lên các nhãn (Label) riêng.
Bước 5: Sắp xếp các nhãn theo thứ tự các hoạt động cần hoàn thành. Quyết định khoảng thời gian cho từng nhiệm vụ.
Bước 6: Loại bỏ các nhãn không cần thiết hoặc trùng lặp và nối chúng với nhau bằng các mũi tên vẽ bằng bút chì. Tính toán thời gian triển khai ngắn nhất có thể; thời gian bắt đầu và kết thúc sớm nhất cho từng nhiệm vụ.
Bước 7: Xem xét biểu đồ và thêm nhãn cho các hoạt động bị bỏ sót.
Bước 8: Tìm các đường nối thông qua mạng công việc với số nhãn hoạt động lớn nhất theo chiều dài của nó và sắp xếp chúng theo đường thẳng và đặt các vòng nút giữa chúng.
Bước 9: Sắp xếp các hoạt động song song tại các vị trí đúng.
Bước 10: Khi đã quyết định vị trí của tất cả các nhãn hoạt động, vẽ các đường mũi tên và vòng nút. Đánh số các nút theo thứ tự từ trái qua phải và ghi tên các thành viên nhóm và các thông tin cần thiết khác vào biểu đồ.
(Tài liệu tham khảo: Các hệ thống quản lí và công cụ cải tiến năng suất chất lượng, Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", NXB Hồng Đức)