Bảy công cụ quản lí và cải tiến chất lượng mới (7 New Tools) là gì?
Bảy công cụ quản lí và cải tiến chất lượng mới
Khái niệm
Bảy công cụ quản lí và cải tiến chất lượng mới trong tiếng Anh được gọi là 7 New Tools.
Bảy công cụ quản lí và cải tiến chất lượng mới là những công cụ dùng để chủ yếu giải quyết các vấn đề phát sinh trong giai đoạn thiết kế của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sẽ chủ động hơn, hiệu quả hơn trong việc nhận diện các vấn đề của mình.
Bảy công cụ mới bao gồm:
- Biểu đồ cây (Tree Diagram)
- Biểu đồ Ma trận (Matrix Diagram)
- Biểu đồ mũi tên (Arrow Diagram)
- Biểu đồ phân tích dữ liệu ma trận (Matrix Data Analysis Chart)
- Biểu đồ quá trình ra quyết định (PDPC Chart)
- Biểu đồ quan hệ (Relation Diagram)
- Biểu đồ tương đồng (Affinity Diagram)
Vai trò
Một trong những nguyên lí cơ bản trong quản lí chất lượng là kiểm soát quá trình thông qua dữ liệu bằng số. Tuy nhiên, các sự kiện thực tế không thể trình bày đầy đủ, chi tiết với các dữ liệu bằng số.
Bảy công cụ mới được xây dựng với mục đích sắp xếp các dữ liệu được diễn đạt bằng lời theo dạng biểu đồ.
Lợi ích
- Bảy công cụ mới rất hữu ích trong việc tạo ra một nền văn hóa sáng tạo trong tổ chức/doanh nghiệp, lôi kéo mọi người tham gia, khuyến khích họ cùng suy nghĩ, tìm tòi cách giải quyết vấn đề.
- Bảy công cụ mới giúp trình bày các dữ liệu bằng lời dưới dạng biểu đồ, tạo thông tin trực quan, dễ hiểu, có tính tổng thể.
Áp dụng
- Xác định chính xác vấn đề cần giải quyết;
- Lựa chọn đúng công cụ thích hợp và khả thi;
- Thực hiện thu thập dữ liệu bằng lời một cách chính xác, phù hợp;
- Phân tích và giải thích kết quả phân tích.
Bảy công cụ mới cho quản lí và cải tiến chất lượng đã được thực hành khá phổ biến trong các tổ chức/doanh nghiệp. Sử dụng các công cụ này giúp họ đạt được mục tiêu và tạo ra một nguồn động lực lớn cho các nhóm chất lượng.
(Tài liệu tham khảo: Các hệ thống quản lí và công cụ cải tiến năng suất chất lượng, Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", NXB Hồng Đức)