|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tổ chức OPEC là gì? Công cụ điều chỉnh sản lượng dầu của OPEC

10:22 | 03/10/2019
Chia sẻ
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (tiếng Anh: Organization of Petroleum Exporting Countries, viết tắt: OPEC) là một tổ chức liên chính phủ điều phối và thống nhất các chính sách dầu khí của các quốc gia thành viên.
opec90

Hình minh họa (Nguồn: albawaba.com)

Tổ chức OPEC

Khái niệm

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ trong tiếng Anh là Organization of Petroleum Exporting Countries; viết tắt là OPEC.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là một tổ chức liên chính phủ được thành lập tại Hội nghị Baghdad năm 1960. Năm nước thành viên sáng lập của OPEC là Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê Út và Venezuela. OPEC là một tổ chức liên chính phủ thường trực của 14 quốc gia đang phát triển xuất khẩu dầu mỏ, là tổ chức điều phối và thống nhất các chính sách dầu khí của các quốc gia thành viên.

Mục tiêu hoạt động của OPEC

Mục tiêu hoạt động chính thức của OPEC được ghi trong Qui chế Thành lập của tổ chức là điều phối và thống nhất chính sách khai thác dầu giữa các nước thành viên nhằm ổn định giá dầu thế giới ở mức công bằng và ổn định cho các nước sản xuất, đảm bảo nguồn cung dầu hiệu quả, kinh tế và thường xuyên cho các nước tiêu dùng, đảm bảo mức lợi nhuận công bằng cho các nhà đầu tư, qua đó bảo vệ lợi ích của các nước thành viên.

Nói cách khác, về bản chất, OPEC chính là một cartel (liên minh kinh tế) giữa các nước sản xuất dầu lửa nhằm duy trì một cơ cấu giá có thể phản ánh được lợi ích của các nước thành viên thông qua việc phối hợp định giá và xây dựng hạn ngạch sản xuất cho các nước thành viên.

Công cụ điều chỉnh sản lượng dầu của OPEC

Công cụ chính được OPEC sử dụng để điều chỉnh sản lượng dầu bán ra thị trường của các nước thành viên chính là hạn ngạch sản xuất. Đại diện các quốc gia thành viên nhóm họp mỗi năm 2 lần nhằm thiết lập chính sách sản xuất chung trong tương lai dựa trên dự báo toàn cầu về cung và cầu dầu lửa. Mỗi hội nghị OPEC đều đặt ra hạn ngạch sản xuất mới, chia theo tỉ lệ tương ứng cho các quốc gia thành viên.

Cam kết của các nước thành viên đối với hạn ngạch sản xuất không phải lúc nào cũng nhất quán, và một số nước thành viên OPEC, đặc biệt là những nước có sản lượng nhỏ, thường xuyên vượt quá hạn ngạch được phép của mình. 

Các thành viên có sản lượng lớn, đặc biệt là Ả Rập Xê Út, thường phải cắt giảm sản lượng của mình để bù cho việc sản xuất quá hạn ngạch của các thành viên khác. Việc giá dầu sụt giảm giữa những năm 1980 và cuối những năm 1990 một phần là do các thành viên thiếu cam kết trong việc tuân thủ hệ thống hạn ngạch.

OPEC trong giai đoạn hiện nay

Ngành công nghiệp dầu mỏ ngày nay mang những đặc điểm của một mô hình đa nhân tố. Có một số nhân tố quan trọng, song không một nhân tố nào có thể một mình duy trì được sự ổn định của thị trường. Tầm quan trọng của OPEC đã suy giảm sau giai đoạn được xem là đỉnh cao của tổ chức này vào giữa những năm 1970, nhưng chưa có một tổ chức nào có đủ khả năng để thay thế nó. 

Sự suy giảm về tầm quan trọng của OPEC cũng đi kèm với nỗ lực chung của thế giới trong việc tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Trong cơ cấu doanh nghiệp của ngành, các công ty quốc doanh hiện giữ vai trò chủ đạo. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (US Energy Information Administration), tính đến thời điểm năm 2007, xấp xỉ 78% sản lượng dầu thế giới do 50 công ty sản xuất, 70% số sản lượng này được sản xuất bởi các công ty dầu mỏ quốc doanh.

(Tài liệu tham khảo: Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa Quan hệ quốc tế – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, năm 2013)

TH