|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sự vỡ nợ quốc gia (Sovereign Default) là gì? Khủng hoảng vỡ nợ quốc gia

15:28 | 25/09/2019
Chia sẻ
Sự vỡ nợ quốc gia (tiếng Anh: Sovereign Default) xảy ra khi chính phủ một nước thất bại trong việc thanh toán các khoản nợ quốc gia. Một quốc gia vỡ nợ có thể phải chịu lãi suất rất cao và gặp nhiều khó khăn khi vay nợ trong tương lai.
maxresdefault

Hình minh họa. Nguồn: The Audiopedia

Sự vỡ nợ quốc gia

Khái niệm

Sự vỡ nợ quốc gia trong tiếng Anh là Sovereign Default hoặc National Default.

Sự vỡ nợ quốc gia là việc một chính phủ thất bại trong việc trả các khoản nợ quốc gia. Các quốc gia thường muốn tránh sự vỡ nợ, vì nó sẽ khiến việc vay vốn trong tương lai trở nên khó khăn và tốn kém hơn. 

Tuy nhiên, các quốc gia tuyên bố vỡ nợ không phải tuân theo luật phá sản thông thường và có khả năng trốn tránh trách nhiệm đối với các khoản nợ mà không có hậu quả pháp lí nào.

Sự vỡ nợ quốc gia tương đối hiếm, và nguyên nhân xảy ra thường là do ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng kinh tế. Những người mua trái phiếu chính phủ nước ngoài - về bản chất là đang đầu tư vào nợ công của nước đó, phải nghiên cứu chặt chẽ tình trạng tài chính và tình hình chính trị của nước đó để xác định rủi ro vỡ nợ quốc gia.

Lạm phát đôi khi giúp cho các quốc gia thoát khỏi gánh nặng nợ thực sự. Trong những trường hợp khác, khi phải đối mặt với các khoản nợ khổng lồ, một số chính phủ đã phá giá đồng tiền nước họ bằng cách in thêm tiền để trả nợ, hoặc bằng cách chấm dứt hoặc thay đổi khả năng chuyển đổi của tiền tệ thành kim loại quí hoặc ngoại tệ theo tỉ giá cố định.

Khủng hoảng vỡ nợ quốc gia

Khi một chính phủ cần thêm tiền, một trong hai lựa chọn thường được cân nhắc là tăng thuế hoặc đi vay. Do việc tăng thuế thường sẽ vấp phải phản đối và cần nhiều thời gian để thực hiện, nên đi vay là lựa chọn phổ biến hơn. 

Trái phiếu hoặc giấy tờ có giá do chính phủ phát hành có vai trò như các khoản nợ, người nắm giữ chúng được nhận lãi cho đến khi chúng đáo hạn và chính phủ trả lại khoản nợ gốc.

Nếu những người cho vay hoặc người mua trái phiếu tiềm năng bắt đầu nghi ngờ rằng chính phủ có thể không trả được nợ, họ sẽ yêu cầu một mức lãi suất cao như là sự đền bù cho rủi ro vỡ nợ. 

Điều này đôi khi được gọi là một cuộc khủng hoảng vỡ nợ quốc gia, khi chính phủ đối mặt với lãi suất tăng cao với các khoản nợ do lo ngại rằng nước này có thể không trả được các khoản vay của mình.

Các chính phủ phụ thuộc vào tài trợ thông qua trái phiếu ngắn hạn có thể dễ bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng vỡ nợ quốc gia do có sự chênh lệch giữa thời gian đáo hạn của các khoản vay ngắn hạn và giá trị tài sản dài hạn của cơ sở tính thuế của một quốc gia.

Một số quốc gia có thành tích rất tốt về thanh toán nghĩa vụ nợ quốc gia và chưa bao giờ vỡ nợ. Các nước này bao gồm Canada, Đan Mạch, Bỉ, Phần Lan, Malaysia, Mauritius, New Zealand, Na Uy, Singapore, Thụy Sĩ và Anh.

(Theo investopedia)

Hằng Hà