|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nợ công (Public Debt) là gì? Phân loại và ý nghĩa

15:38 | 10/09/2019
Chia sẻ
Nợ công (tiếng Anh: Public Debt, Government Debt hay National Debt) được hiểu là tất cả các khoản nợ tích tụ từ các khoản vay trong nước và nước ngoài của khu vực công mà trách nhiệm trả nợ trực tiếp hoặc gián tiếp thuộc về Nhà nước.
Editorial%2BCartoon%25286%2529

Hình minh họa. Nguồn: udadisi

Nợ công (Public Debt)

Định nghĩa

Nợ công trong tiếng Anh gọi là Public Debt, Government Debt hay National Debt.

Nợ công được hiểu là tất cả các khoản nợ tích tụ từ các khoản vay trong nước và nước ngoài của khu vực công mà trách nhiệm trả nợ trực tiếp hoặc gián tiếp thuộc về Nhà nước.

Nợ công qui định tại Luật quản lí nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Phân loại nợ công

- Theo thời hạn đi vay, nợ công gồm:

+ Nợ ngắn hạn: là các khoản nợ có thời hạn vay dưới một năm để bù đắp các khoản bội chi tạm thời của ngân sách Nhà nước. Nguồn trả nợ ngắn hạn là các khoản thu ngân sách Nhà nước được thực hiện trong tương lai.

+ Nợ trung và dài hạn: là các khoản nợ có thời hạn vay từ một năm trở lên để huy động vốn cho đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Nguồn trả nợ được thu từ phí, giá dịch vụ và từ nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

- Theo phạm vi huy động vốn, nợ công được chia thành:

+ Nợ vay trong nước: Được thực hiện bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ để vay dân cư, các tổ chức kinh tế - xã hội và ngân hàng trong nước.

+ Nợ vay nước ngoài: Vay nợ nước ngoài của Chính phủ là phương thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài; kí kết các hợp đồng vay nợ với Chính phủ, với các tổ chức tài chính tiền tệ thế giới và từ nguồn ODA.

Ý nghĩa của nợ công

Trong nền kinh tế thị trường, nợ công được xem là công cụ tài chính hữu hiệu cùa nền tài chính công trên khác khía cạnh sau đây:

- Kích thích phát triển kinh tế - xã hội

+ Mục đích đi vay của khu vực công trước hết là đáp ứng nhu cầu vốn chi đầu tư phát triển, thực hiện các chương trình mục tiêu đã được xác định trong từng giai đoạn.

+ Vay nợ được xem là công cụ hữu hiệu để Chính phủ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, kích thích kinh tế - xã hội phát triển.

 Công vụ vay nợ giúp cho Chính phủ chủ động hơn trong cân đối nguồn lực tài chính, khắc phục sự thiếu hụt vốn trong đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.

- Góp phần điều tiết vĩ mô kinh tế - xã hội

+ Nợ công còn là công cụ góp phần điều tiết mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, điều tiết cơ cấu kinh tế thông qua vay nợ trong nước tập trung một phần nguồn tài chính từ quĩ tiết kiệm, quĩ tiêu dùng để phân phối lại chuyển sang quĩ tích lũy cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lí.

+ Nợ công góp phần điều tiết và định hướng lưu thông tiền tệ cũng như góp phần thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính tiền tệ, NXB Tài chính)

Minh Lan