|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đầu tư công (Public investment) là gì? Mối quan hệ giữa đầu tư công và nợ công

17:24 | 26/08/2019
Chia sẻ
Đầu tư công (tiếng Anh: Public investment) là việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư vào các chương trình, dự án không vì mục tiêu lợi nhuận và (hoặc) không có khả năng hoàn vốn trực tiếp.
Đầu tư công (Public investment) là gì? Mối quan hệ giữa đầu tư công và nợ công - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: 23rf.com)

Đầu tư công (Public investment)

Định nghĩa

Đầu tư công gọi theo tiếng Anh là public investment.

Đầu tư công được định nghĩa như sau: "Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội". (Theo Luật Đầu tư công 2019)

Hoạt động đầu tư công bao gồm: lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; quản lí, sử dụng vốn đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Mục tiêu của đầu tư công: nhằm tạo mới, nâng cấp, củng cố năng lực hoạt động của nền kinh tế thông qua giá tăng giá trị các tài sản công.

Nội dung đầu tư công

Được thực hiện theo các chương trình mục tiêu và các dự án đầu tư công:

a) Đầu tư theo các chương trình mục tiêu

Chương trình mục tiêu là "chương trình đầu tư công nhằm thực hiện một hoặc một số mục tiêu trong từng ngành, ở một số vùng lãnh thổ trong từng giai đoạn cụ thể". (Theo Luật Đầu tư công 2019)

b) Đầu tư theo các dự án đầu tư công

Dự án đầu tư công là "dự án đầu tư sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công". (Theo Luật Đầu tư công 2019)

Thông thường, các dự án này bao gồm: dự án phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, kết cấu hạ tầng kĩ thuật, các dự án phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị…

Mối quan hệ giữa đầu tư công và nợ công

Đầu tư công ảnh hưởng đến xu hướng nợ công: Do đầu tư công là một bộ phận của chi tiêu ngân sách, nên đầu tư công tăng sẽ làm tăng bội chi ngân sách, dẫn đến nợ công tăng.

Đầu tư công kém hiệu quả làm tăng gánh nặng nợ công: Các khoản nợ của quốc gia chịu tác động tiêu cực do hiệu quả đầu tư công thấp, dẫn đến việc chính phủ phải gia tăng nợ. Do đó, để có thể giảm nợ công thì ngoài việc cắt giảm đầu tư công thì còn phải gia tăng hiệu quả của đầu tư công.

Ảnh hưởng của nợ công đến đầu tư công: Nếu nợ công vượt mức an toàn thì chính phủ các quốc gia sẽ buộc phải xem xét và thực hiện việc cắt giảm đầu tư công.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế đầu tư, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)