Lựa chọn công cộng (Public choice) là gì? Nguyên tắc lựa chọn
Hình minh hoạ (Nguồn: emaze)
Lựa chọn công cộng
Khái niệm
Lựa chọn công cộng trong tiếng Anh được gọi là public choice.
Lựa chọn công cộng là quá trình trong đó ý muốn của các cá nhân được kết hợp lại trong một quyết định tập thể.
Đặc điểm
Khác với lựa chọn cá nhân, lựa chọn công cộng có các đặc điểm sau:
- Nếu trong lựa chọn cá nhân, mỗi người tự đưa ra quyết định thì trong lựa chọn công cộng, quyết định của cá nhân lại được kết hợp lại trong một quyết định tập thể.
- Nếu trong lựa chọn cá nhân, quyết định của một người chỉ có tác dụng đối với bản thân thì trong lựa chọn công cộng, quyết định tập thể mang tính chất cưỡng chế, bắt buộc mọi người phải tuân thủ.
Lợi ích và hạn chế
- Lợi ích của lựa chọn công cộng
Khi xã hội tập hợp lại với nhau và đưa ra các quyết định tập thể hợp lí (như chính phủ xây dựng đường cao tốc, hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo, triển khai các chương trình y tế cộng đồng...) sẽ góp phần thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng của năng suất lao động, góp phần đạt được hiệu quả Pareto.
- Hạn chế của lựa chọn công cộng
Tuy nhiên , không phải khi nào lựa chọn công cộng cũng có hiệu quả như mong muốn. Trong thực tế, lựa chọn công cộng thường mang lại các kết cục sau:
- Có lẽ là hiếm thấy, là các kết cục có hại nảy sinh khi chính phủ tiến hành các hành động gây thiệt hại cho mọi người.
- Các kết cục đơn thuần chỉ mang tính chất phân phối lại. Trong trường hợp này, chính phủ có thể đánh thuế một nhóm người để làm lợi cho nhóm kia, hoặc đánh thuế quan đối với một số sản phẩm hàng hoá làm lợi cho người sản xuất trong nước nhưng lại có hại đối với người tiêu dùng.
- Hành động tập thể có thể tạo ra hoàn thiện Pareto, làm tất cả mọi người cùng được lợi và không ai bị thiệt.
Nguyên tắc
Các nguyên tắc lựa chọn công cộng
- Nguyên tắc nhất trí tuyệt đối là một nguyên tắc qui định: một quyết định chỉ được thông qua khi và chỉ khi có sự thống nhất (đồng ý) của tất cẩ các thành viên trong một cộng đồng nào đó.
- Nguyên tắc biểu quyết theo đa số (hay nguyên tắc biểu quyết theo đa số tương đối) là nguyên tắc qui định: một vấn đề chỉ được thông qua khi và chỉ khi có hơn một nửa số người bỏ phiếu cùng nhất trí.
- Nguyên tắc biểu quyết theo đa số tuyệt đối yêu cầu: một vấn đề chỉ được thông qua khi và chỉ khi được sự nhất trí của nhiều hơn mức đa số tương đối, chẳng hạn phải đạt được hai phần ba số phiếu thuận.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Công cộng, 2012, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)