|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chính sách tài khoá (Fiscal policy) là gì? Công cụ của chính sách tài khoá

16:18 | 23/08/2019
Chia sẻ
Chính sách tài khoá (tiếng Anh: Fiscal policy) là một trong những chính sách kinh tế cơ bản của chính phủ. Có tác dụng tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô.
fb2b5e0c-ac7e-11e8-992b-99e83d9ba30b

Hình minh hoạ (Nguồn: thestreet)

Chính sách tài khoá

Khái niệm

Chính sách tài khoá trong tiếng Anh được gọi là fiscal policy.

Chính sách tài khoá là quyết định của chính phủ về chi tiêu công và đánh thuế để hướng nền kinh tế vào mức sản lượng và việc làm mong muốn.

Trong điều kiện bình thường, chính sách này được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện nền kinh tế có dấu hiệu của suy thoái hay sự phát triển quá mức (còn gọi là phát triển nóng) thì nó lại được sử dụng như là một công cụ để giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.

Công cụ của chính sách tài khoá

Chính sách tài khoá có hai công cụ chủ yếu là chi tiêu của chính phủ và thuế.

- Chi tiêu của chính phủ gồm hai loại: chi mua sắm hàng hoá dịch vụ và chi chuyển nhượng.

+ Chi mua hàng hoá dịch vụ là việc chính phủ dùng ngân sách để mua vũ khí, khí tài, xây dựng đường sá, cầu cống và các công trình kết cấu hạ tầng, trả lương cho đội ngũ cán bộ nhà nước... 

Chi mua sắm hàng hoá và dịch vụ của chính phủ quyết định qui mô tương đối của khu vực công trong GDP so với khu vực tư nhân. 

Khi chính phủ tăng hay giảm chi mua sắm hàng hoá, dịch vụ của mình, nó sẽ tác động đến tổng cầu với một tác động mang tính chất số nhân. 

Cụ thể là, nếu chi mua sắm của chính phủ tăng lên một đồng sẽ làm tổng cầu tăng nhiều hơn một đồng và ngược lại, nếu chi mua sắm của chính phủ giảm đi một đồng thì sẽ làm tổng cầu thu hẹp với tốc độ nhanh hơn. Chính nhờ hiệu ứng số nhân này mà chính phủ có thể sử dụng chi tiêu như một công cụ để điều tiết tổng cầu.

+ Chi chuyển nhượng là các khoản trợ cấp của chính phủ cho các đối tượng chính sách như người nghèo hay các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội.

Khác với chi mua sắm hàng hoá dịch vụ, chi chuyển nhượng lại có tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua việc ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân. Khi chính phủ tăng chi chuyển nhượng sẽ làm tiêu dùng cá nhân tăng lên. Một lần nữa, qua hiệu số nhân của tiêu dùng cá nhân, điều này sẽ làm gia tăng tổng cầu.

- Thuế: Khía cạnh thứ hai của chính sách tài khoá là thuế cũng có ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung theo hai cách. 

Một mặt, ngược với chi chuyển nhượng, thuế làm giảm thu nhập khả dụng của cá nhân, dẫn đến chi cho tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ của cá nhân giảm xuống, khiến tổng cầu giảm và GDP giảm. 

Mặt khác, thuế tác động làm méo mó giá cả hàng hoá và dịch vụ nên ảnh hưởng đến hành vi và động cơ khuyến khích của cá nhân.

Hạn chế của chính sách tài khoá

- Độ trễ về thời gian: sau một thời gian nhất định, chính phủ mới có thể nhận biết được sự thay đổi của tổng cầu, có thể phải mất đến sáu tháng mới có thể thu thập được những số liệu thống kê đáng tin cậy về nền kinh tế vĩ mô. Và sau đó, việc ra những quyết định về chính sách cũng phải mất một thời gian. 

Khi các quyết định về chính sách đã được thực hiện thì cũng cần phải có thời gian để tác dụng của nó có thể đến được với cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp, nhằm thay đổi hành vi của họ, và cuối cùng làm thay đổi các biến số kinh tế vĩ mô như đã dự tính.

- Trong khi quyết định về chính sách tài khoá, chính phủ luôn gặp phải hai vấn đề cơ bản. Trước hết, chính phủ không biết được qui mô tác động cụ thể của việc điều chỉnh chi tiêu lên các biến số kinh tế vĩ mô dự tính. 

Sau nữa, nếu có thể ước tính được về qui mô tác động, thì sự ước tính đó cũng chỉ dựa trên cơ sở số liệu quá khứ. Những sai sót trong việc ước tính qui mô tác động cụ thể nêu trên sẽ khiến chính sách tài khoá không được hữu hiệu như lí thuyết đã phân tích.

- Khi kinh tế suy thoái, tức là sản lượng thực tế thấp xa so với sản lượng tiềm năng và tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao, thì thâm hụt ngân sách thường lớn. Trong trường hợp này, tăng thêm chi tiêu của chính phủ sẽ làm cho thâm hụt ngân sách trở nên lớn hơn. 

Điều này đến lượt nó, không chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng lạm phát mà còn làm gia tăng thêm nợ của chính phủ và gây ra những tác động không thuận lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

- Việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách luôn là một nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả các chính phủ. Bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tầng lớp dân cư và điều đó có thể gây nên làn sóng phản đối chính phủ. 

Rõ ràng, việc tăng hay giảm các loại thuế nào hay khoản chi nào trong các khoản chi của chính phủ là những cân nhắc dựa trên các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội... chứ không thể hoàn toàn dựa trên các lí do kinh tế thuần tuý.

(Tài liệu tham khảo:Giáo trình Kinh tế Công cộng, 2012, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi