|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thương mại đa phương (Multilateral trade) là gì? Nội dung về thương mại đa phương

17:08 | 30/09/2019
Chia sẻ
Thương mại đa phương (tiếng Anh: Multilateral trade) là khái niệm được dùng để chỉ các hoạt động thương mại quốc tế trong đó có tất cả các nước liên quan đều tham gia vào xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.
as-cptpp-1907

Hình minh họa. Nguồn: The Straits Times

Thương mại đa phương

Khái niệm

Thương mại đa phương hay còn gọi là buôn bán đa phương trong tiếng Anh là Multilateral trade.

Thương mại đa phương là khái niệm được dùng để chỉ các hoạt động thương mại quốc tế trong đó có tất cả các nước liên quan đều tham gia vào xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Nội dung về thương mại đa phương

Từ khi mới bắt đầu Con đường tơ lụa cho đến việc thành lập Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) và sự ra đời của WTO, thương mại đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế và thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các quốc gia.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa đa phương trong thương mại quốc tế đã phát triển dựa trên bốn nền tảng cơ bản:

Thứ nhất, thương mại đa phương được coi như là một công cụ hàng đầu để thực hiện những lợi ích toàn cầu hóa. Trong hoàn cảnh đó các nước đang phát triển tiếp thu công nghệ và tri thức mới, mở rộng thị trường xuất khẩu đạt được nhiều thành quả trong phát triển.

Thứ hai, việc tái phân bổ các hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo và dịch vụ sẽ mang lại nhiều cơ hội thương mại cho nhiều nước trên thế giới. 

Thứ ba, cùng với việc chiếm lĩnh thị trường, sự mở rộng mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia, của các quốc gia thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng thương mại giữa các nước, khu vực và qui mô toàn cầu. 

Thứ tư, hình thành một thể chế quốc tế để hỗ trợ cho tăng trưởng thương mại công bằng.

Ở cấp độ đa phương, hiện đã có nhiều nước cùng nhau đẩy mạnh hoặc tham gia vào những định chế, tổ chức toàn cầu. Các định chế này có thể hình thành từ các quốc gia, trong cùng một khu vực địa lí, thí dụ EU, NAFTA, AFTA, ASEAN… hoặc đó là các định chế toàn cầu mà hầu hết các nước trên thế giới cùng tham gia.

(Tài liệu tham khảo: Nguyền Hồng Sơn & Nguyễn Anh Thu (Đồng chủ biên) – Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), bối cảnh và kinh nghiệm quốc tế – NXB ĐHQG HN 2015)

TH