Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) là gì? Các hoạt động của tài chính toàn diện
Hình minh họa. Nguồn: eletsonline.com
Tài chính toàn diện
Khái niệm
Tài chính toàn diện trong tiếng Anh là Financial Inclusion hoặc Inclusive Finance.
Tài chính toàn diện là những nỗ lực để mọi cá nhân và doanh nghiệp có thể sử dụng sản phẩm và dịch vụ tài chính với giá cả phải chăng, bất kể giá trị ròng của cá nhân hoặc qui mô công ty là bao nhiêu.
Tài chính toàn diện nỗ lực để loại bỏ các rào cản ngăn cản mọi người tham gia vào lĩnh vực tài chính và sử dụng các dịch vụ tài chính để cải thiện cuộc sống của họ.
Chức năng của tài chính toàn diện
Theo nội dung đăng trên trang web của Ngân hàng Thế giới, tài chính toàn diện "tạo điều kiện cho cuộc sống hàng ngày, và giúp các gia đình và doanh nghiệp lập kế hoạch cho mọi thứ, từ các mục tiêu dài hạn đến các tình huống khẩn cấp bất ngờ".
Ngoài ra "Với tư cách là chủ tài khoản, mọi người có nhiều khả năng sử dụng dịch vụ tài chính khác, chẳng hạn như tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, bắt đầu và mở rộng kinh doanh, đầu tư vào giáo dục hay y tế, quản lí rủi ro, đối phó với những cú sốc tài chính, tất cả đều có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống".
Các hoạt động của tài chính toàn diện
Ngành tài chính liên tục đưa ra những cách mới để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người dân trên toàn cầu và thường vẫn kiếm được lợi nhuận trong quá trình này. Việc tăng cường sử dụng công nghệ tài chính (fintech) đã cung cấp các công cụ mới để giải quyết các vấn đề ngăn cản người nghèo tiếp cận các dịch vụ tài chính và tạo ra những cách mới cho các cá nhân và tổ chức có được các dịch vụ cần thiết với chi phí hợp lí.
Một số ví dụ về sự phát triển của fintech đã hỗ trợ tài chính toàn diện những năm gần đây bao gồm gia tăng sử dụng giao dịch kĩ thuật số không tiền mặt, sự ra đời của hệ thống tư vấn tài chính chi phí thấp và sự gia tăng của gọi vốn cộng đồng và mạng ngang hàng.
Cho vay ngang hàng đặc biệt có ích cho người dân ở các thị trường mới nổi, vì họ có thể không đủ điều kiện cho các khoản vay từ các tổ chức tài chính truyền thống do không có lịch sử tài chính hoặc hồ sơ tín dụng để đánh giá uy tín của họ.
Tài chính vi mô cũng đã trở thành một nguồn vốn ở những nơi khó có thể tiếp cận dịch vụ tài chính.
(Theo investopedia)
Các rào cản với tài chính toàn diện
Lĩ do được nói đến nhiều nhất khi một cá nhân không có một tài khoản chính thức là không có đủ tiền, chi phí cho tài khoản ngân hàng quá đắt đỏ. Tiếp đó là những nguyên nhân như khoảng cách đến ngân hàng quá xa, thiếu những giấy tờ cần thiết đáp ứng yêu cầu của ngân hàng, thiếu tin tưởng vào ngân hàng hay vì lí do tín ngưỡng.
Nhóm người không tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng là những người nghèo, người trẻ tuổi, thất nghiệp, những người bị loại khỏi thị trường lao động, những người thiếu giáo dục hoặc những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
(Theo Sơ lược về tài chính toàn diện, khoahocnganhang.org.vn)