|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sức sinh lợi của từng đối tượng là gì? Chỉ tiêu đo lường

09:57 | 20/05/2020
Chia sẻ
Sức sinh lợi của từng đối tượng cho biết: Một đồng (hay một đơn vị) yếu tố hay chi phí đầu vào hoặc một đồng (hay một đơn vị) đầu ra phản ánh kết quả kinh doanh mang về mấy đồng (hay mấy đơn vị) lợi nhuận.
Sức sinh lợi của từng đối tượng là gì? Chỉ tiêu đo lường - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: peaksupport)

Sức sinh lợi của từng đối tượng

Khái niệm

Sức sinh lợi của từng đối tượng hay còn gọi là Hệ số khả năng sinh lợi.

Sức sinh lợi của từng đối tượng cho biết: Một đồng (hay một đơn vị) yếu tố hay chi phí đầu vào hoặc một đồng (hay một đơn vị) đầu ra phản ánh kết quả kinh doanh mang về mấy đồng (hay mấy đơn vị) lợi nhuận. 

Trị số của chỉ tiêu càng lớn, khả năng sinh lợi của doanh nghiệp càng cao, kéo theo hiệu quả kinh doanh càng cao và ngược lại.

Ý nghĩa

Việc tạo ra lượng lợi nhuận cao nhất trên một đơn vị chi phí hay một đơn vị yếu tố đầu vào hoặc trên một đơn vị đầu ra phản ánh kết quả kinh doanh cũng thể hiện tương quan so sánh giữa tổng lợi nhuận thu được với tổng chi phí bỏ ra hay với tổng yếu tố đầu vào sử dụng hoặc tổng kết quả kinh doanh thu được lại. 

Vì thế, để đo lường khả năng sinh lợi, cần phải xem xét mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được trên một đơn vị yếu tố đầu vào (tài sản, nguồn vốn) hay chi phí đầu vào (giá vốn hàng bán, chi phí hoạt động sản xuất – kinh doanh, tổng chi phí hoạt động...), 

Hoặc trên một đơn vị đầu ra phản ánh kết quả kinh doanh (doanh thu thuần, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ...). 

Có thể sử dụng công thức sau đây để biểu hiện khả năng sinh lợi của từng đối tượng (tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí):

Sức sinh lợi của từng đối tượng = Lợi nhuận thu được/Trị số của từng đối tượng

Chỉ tiêu đo lường

Khả năng sinh lợi của doanh nghiệp còn được đo lường qua chỉ tiêu "Tỉ suất sinh lợi của từng đối tượng" và được xác định theo công thức:

Tỉ suất sinh lợi của từng đối tượng = (Lợi nhuận thu được/Trị số của từng đối tượng) x 100%

Cách đo lường khả năng sinh lợi này cho biết: 100 đồng yếu tố hay chi phí đầu vào hoặc 100 đồng đầu ra phản ánh kết quả kinh doanh mang về mấy đồng lợi nhuận. 

Mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được trên 100 đồng yếu tố hay chi phí đầu vào hoặc 100 đồng đầu ra phản ánh kết quả kinh doanh càng cao, khả năng sinh lợi càng cao và do vậy, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp càng cao và ngược lại; 

Mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được trên 100 đồng yếu tố hay chi phí đầu vào hoặc 100 đồng đầu ra phản ánh kết quả kinh doanh càng thấp, khả năng sinh lợi của doanh nghiệp càng thấp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh càng thấp.

(Tài liệu tham khảo: Phân tích khả năng sinh lợi, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi