|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sức sinh lợi cơ bản của tài sản (Basic earning power ratio - BEPR) là gì?

09:34 | 20/05/2020
Chia sẻ
Sức sinh lợi cơ bản của tài sản (tiếng Anh: Basic earning power ratio - BEPR) cho biết: Một đơn vị tài sản bình quân đưa vào kinh doanh đem lại mấy đơn vị lợi nhuận trước thuế và lãi vay.
Sức sinh lợi cơ bản của tài sản (Basic earning power ratio - BEPR) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: slideplayer)

Sức sinh lợi cơ bản của tài sản

Khái niệm

Sức sinh lợi cơ bản của tài sản hay còn gọi là Tỉ suất sinh lợi cơ bản của tài sản hay Hệ số sinh lợi cơ bản của tài sản hay Sức sinh lợi kinh tế của tài sản trong tiếng Anh được gọi là Basic earning power ratio - BEPR hay Return on total assets - ROTA.

Sức sinh lợi cơ bản của tài sản cho biết: Một đơn vị tài sản bình quân đưa vào kinh doanh đem lại mấy đơn vị lợi nhuận trước thuế và lãi vay. 

Ti suất sinh lợi cơ bản của tài sản với đơn vị biểu hiện là %, cho biết cứ 100 đồng tài sản bình quân đầu tư vào kinh doanh mang về mấy đồng lợi nhuận trước thuế và lãi vay.

Công thức tính sức sinh lợi cơ bản của tài sản

Sức sinh lợi cơ bản của tài sản = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay/Tổng tài sản bình quân

Trị số của chỉ tiêu càng lớn, sức sinh lợi cơ bản của tài sản càng cao, hiệu quả kinh doanh càng cao và ngược lại; trị số của chỉ tiêu càng nhỏ, khả năng sinh lợi cơ bản của tài sản càng thấp, hiệu quả kinh doanh càng thấp. 

Sở dĩ có tên gọi là "Sức sinh lợi cơ bản" vì tử số của chỉ tiêu này được xác định trước khi doanh nghiệp tính thuế thu nhập doanh nghiệp và tính chi phí lãi vay; 

Nhờ vậy mà khi sử dụng chỉ tiêu này, các doanh nghiệp được ưu đãi hay không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay hay không sử dụng vốn vay, tử số được xác định giống nhau nên có thể so sánh hiệu quả được với nhau một cách chính xác. 

Vì thế, khác với ROA, chỉ tiêu BEPR lại được dùng để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản cố định giữa các doanh nghiệp với nhau.

Khi đánh giá khái quát khả năng sinh lợi tổng thể của doanh nghiệp, trước hết các nhà phân tích cần tính ra trị số của các chỉ tiêu "Sức sinh lợi của vốn chủ sở hữu", "Sức sinh lợi của vốn đầu tư", "Sức sinh lợi của vốn dài hạn" và "Sức sinh lợi cơ bản của tài sản" ở kì phân tích và  gốc. 

Từ đó, tiến hành so sánh sự biến động của các chỉtiêu cả về qui mô và tốc độ tăng trưởng.

(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về phân tích báo cáo tài chính, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)


Diệu Nhi