Khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp là gì? Phân tích
Khả năng thanh toán ngắn hạn
Khái niệm
Khả năng thanh toán ngắn hạn được thể hiện qua 3 góc độ: Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán tức thời.
Phân tích khả năng thanh toán ngắn hạn
Phân tích khả năng thanh toán ngắn hạn được thực hiện bằng cách tính ra và so sánh trị số của các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán ngắn hạn rồi căn cứ vào kết quả so sánh, vào trị số và ý nghĩa của chỉ tiêu để nhận xét.
- Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (Current ratio) được đo lường bằng giá trị thuần của tài sản ngắn hạn hiện có với số nợ ngắn hạn phải trả (kể cả nợ dài hạn đến hạn trả) thông qua chỉ tiêu Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn.
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ đáp ứng nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. Nó cho biết một đồng nợ ngắn hạn được bảo đảm bởi mấy đồng tài sản ngắn hạn.
Nói cách khác, với giá trị thuần của tài sản ngắn hạn hiện có, doanh nghiệp có đủ khả năng trang trải các khoản nợ ngắn hạn hay không.
- Khả năng thanh toán nhanh (Acid - test ratio or Quick ratio) được đo lường bằng bộ phận giá trị còn lại của tài sản ngắn hạn (đã loại bỏ hàng tồn kho) so với nợ ngắn hạn qua chỉ tiêu Hệ số khả năng thanh toán nhanh.
Hệ số khả năng thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ đáp ứng nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn sau khi đã loại trừ giá trị hàng tồn kho. Nó cho biết một đồng nợ ngắn hạn được bảo đảm bởi mấy đồng tài sản ngắn hạn sau khi đã loại trừ giá trị hàng tồn kho.
Nói cách khác, sau khi đã loại trừ giá trị hàng tồn kho – là bộ phận có tính thanh khoản thấp nhất trong tài sản ngắn hạn – giá trị thuần còn lại của tài sản ngắn hạn hiện có của doanh nghiệp có đủ khả năng trang trải các khoản nợ ngắn hạn hay không.
- Khác với khả năng thanh toán nợ ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh, việc xem xét khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp phải xem xét không chỉ đối với toàn bộ nợ ngắn hạn mà còn phải xem xét đối với số nợ ngắn hạn đến hạn thanh toán và số nợ quá hạn trong vòng ba tháng tính từ ngày đến hạn.
Bởi vậy, khi phân tích, cần sử dụng các chỉ tiêu sau:
+ Hệ số khả năng thanh toán tức thời nợ ngắn hạn = Tiền và tương đương tiền/Nợ ngắn hạn
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ đáp ứng nợ ngắn hạn bằng tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp, cho biết một đồng nợ ngắn hạn được bảo đảm bởi mấy đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Nói cách khác, với lượng tiền và tương đương tiền hiện có, doanh nghiệp có bảo đảm khả năng thanh toán tức thời (thanh toán ngay) các khoản nợ ngắn hạn hay không.
+ Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn = Tiền và tương đương tiền/Nợ đến hạn phải trả
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ đáp ứng nợ đến hạn của doanh nghiệp bằng tiền và tương đương tiền. Nó cho biết, với lượng tiền và tương đương tiền hiện có, doanh nghiệp có bảo đảm trang trải được các khoản nợ đến hạn phải trả hay không.
Nói cách khác, một đồng nợ đến hạn phải trả của doanh nghiệp được bảo đảm bởi mấy đồng tiền và tương đương tiền.
+ Hệ số khả năng thanh toán nợ quá hạn trong vòng 3 tháng = Tiền và tương đương tiền/Nợ quá hạn trong vòng 3 tháng tính từ ngày đến hạn
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ đáp ứng nợ quá hạn trong vòng 3 tháng tính từ ngày đến hạn bằng tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp.
Nó cho biết một đồng nợ quá hạn trong vòng 3 tháng tính từ ngày đến hạn được bảo đảm bởi mấy đồng tiền và tương đương tiền.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về phân tích báo cáo tài chính, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)