Sức mạnh vòi vĩnh (pester power) là gì? Cách thức áp dụng trong truyền thông marketing
Hình minh họa. Nguồn: STEVEN PRESTON21
Sức mạnh vòi vĩnh (pester power)
Định nghĩa
Sức mạnh vòi vĩnh trong tiếng Anh là pester power.
Trong hoạt động truyền thông marketing "pester power" là một thuật ngữ để nói tới sức mạnh vòi vĩnh của trẻ em. "Pester" có nghĩa là đòi hỏi, quấy rầy, làm phiền dai dẳng để đạt được một cái gì đó. "Power" có nghĩa là sức mạnh.
Sức mạnh vòi vĩnh được hiểu là năng lực của những đứa trẻ khiến cho cha mẹ buộc phải mua món đồ chúng thích bằng cách đòi hỏi rất nhiều lần cho đến khi cha mẹ mua cho chúng.
Nội dung
- Đối với con trẻ, khi thích một cái gì đó, chúng sẽ đòi hỏi cho bằng được, và đến khi bố mẹ quá mệt thì kết quả là họ sẽ mua thứ đồ mà những đứa trẻ yêu cầu.
- Tâm lí chung này đã được sử dụng như một công cụ hiệu quả trong ngành truyền thông marketing, đặc biệt là đối với các dòng sản phẩm có đối tượng khách hàng mục tiêu là trẻ em hoặc thậm chí đối với các sản phẩm tiêu dùng dùng cho cả gia đình.
Cách thức áp dụng sức mạnh vòi vĩnh - pester power trong truyền thông marketing
- Có nhiều cách để thu hút sự chú ý của trẻ em hướng tới các sản phẩm của doanh nghiệp. Đầu tiên có thể kể đến là sử dụng hình mẫu giải trí đang thịnh hành.
Ví dụ: Trên thực tế, đã có các mẫu quảng cáo hoặc các hoạt động xúc tiến bán cho sản phẩm sữa tươi hình thủy thủ mặt trăng, sữa tươi mang trí tưởng tượng tới các vùng đất hoạt hình có siêu anh hùng. Kết quả là trẻ em sẽ vòi vĩnh, đòi hỏi các bậc phụ huynh mua ngay mà không cần quan tâm tới giá trị dinh dưỡng hay giá cả.
- Một cách tiếp cận khác nữa là gắn sản phẩm với một biểu tượng hình ảnh mà trẻ em cảm thấy thích và dần dần phát triển mối quan hệ thân thiết gần gũi giữa biểu tượng hình ảnh này và trẻ em.
Các hình ảnh, biểu tượng được sử dụng phổ biến trong thời gian qua là Doraemon, gấu Pooh, mèo Kitty...
- Ngoài ra do nắm bắt được tâm lí thích sưu tập các loại đồ chơi khác nhau, các doanh nghiệp cũng thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi sưu tập đổi điểm lấy quà hay sưu tập các bộ phận khác nhau để ghép thành hình một món đồ chơi hoàn chỉnh.
(Tài liệu tham khảo: Pester power, Cambridge dictionary; Giáo trình Truyền thông Marketing tích hợp - IMC, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)