|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Rủi ro chênh lệch đáo hạn (Mismatch Risk) giữa tài sản và nguồn vốn là gì? Phân loại

14:45 | 18/05/2020
Chia sẻ
Rủi ro chênh lệch đáo hạn (tiếng Anh: Mismatch Risk) là rủi ro không thể tìm đối tác phù hợp cho một hợp đồng hoán đổi, rủi ro thực hiện các khoản đầu tư không phù hợp cho nhà đầu tư, hay rủi ro các dòng tiền của tài sản và nợ phải trả không khớp.
Rủi ro chênh lệch đáo hạn (Mismatch Risk) giữa tài sản và nguồn vốn là gì? Phân loại  - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia

Rủi ro chênh lệch đáo hạn

Khái niệm

Rủi ro chênh lệch đáo hạn hay rủi ro không khớp trong tiếng Anh là Mismatch Risk.

Rủi ro chênh lệch đáo hạn là thuật ngữ rộng đề cập đến rủi ro không thể tìm thấy các đối tác phù hợp cho một hợp đồng hoán đổi, rủi ro các khoản đầu tư không phù hợp đã được thực hiện cho một nhà đầu tư, hay rủi ro các dòng tiền của tài sản và nợ phải trả không đồng nhất, hay không khớp với nhau.             

Đặc điểm Rủi ro chênh lệch đáo hạn 

Các nhà đầu tư hoặc các công ty sẽ gặp phải rủi ro chênh lệch đáo hạn khi các giao dịch mà họ tham gia hoặc tài sản họ nắm giữ không khớp với mức mà họ yêu cầu.   

Có ba loại rủi ro chênh lệch đáo hạn phổ biến là trong các giao dịch hoán đổi, trong các khoản đầu tư của nhà đầu tư và dòng tiền của một công ty. 

 - Rủi ro chênh lệch đáo hạn trong giao dịch hợp đồng hoán đổi đề cập đến khả năng một đại lí hoán đổi không thể tìm được đối tác phù hợp cho một giao dịch hoán đổi mà họ đóng vai trò là trung gian.     -

 Đối với các nhà đầu tư, rủi ro chênh lệch đáo hạn xảy ra khi nhà đầu tư chọn các khoản đầu tư không phù hợp với hoàn cảnh, khả năng chấp nhận rủi ro hoặc phương tiện đầu tư của mình.    

 - Đối với các công ty, rủi ro chênh lệch đáo hạn phát sinh khi các tài sản tạo ra tiền để trả các khoản nợ phải trả không có cùng lãi suất, ngày đáo hạn hoặc loại tiền tệ (rủi ro tỷ giá). 

Các loại Rủi ro chênh lệch đáo hạn  

- Rủi ro chênh lệch đáo hạn trong Giao dịch hoán đổi 

Đối với các giao dịch hoán đổi, một số yếu tố có thể gây khó khăn cho ngân hàng hoán đổi hoặc các tổ chức trung gian khác để tìm đối tác cho giao dịch hoán đổi. 

Ví dụ, một công ty có thể cần tham gia vào một giao dịch hoán đổi với một khoản tiền gốc rất lớn, nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một đối tác sẵn sàng để trở thành phía còn lại của giao dịch. Để đạt được một số lợi ích của giao dịch hoán đổi, một bên có thể sẽ phải chấp nhận các điều khoản thay đổi một chút.   

 - Rủi ro chênh lệch đáo hạn đối với các nhà đầu tư 

Đối với các nhà đầu tư, sự không phù hợp giữa loại hình đầu tư và thời hạn đầu tư có thể là nguồn gốc cho rủi ro chênh lệch đáo hạn. 

Ví dụ, rủi ro chênh lệch đáo hạn sẽ tồn tại trong tình huống nhà đầu tư có thời gian đầu tư ngắn (ví dụ như sắp nghỉ hưu) thực hiện đầu tư với giá trị lớn vào một cổ phiếu công nghệ sinh học để đầu cơ. 

Thông thường, các nhà đầu tư có thời hạn đầu tư ngắn nên tập trung vào các khoản đầu tư ít đầu cơ hơn, như các chứng khoán có thu nhập cố định và chứng khoán blue-chip.    

 - Rủi ro chênh lệch đáo hạn đối với dòng tiền 

Đối với các công ty, sự không đồng nhất giữa tài sản và nợ phải trả có thể tạo ra sự bất cân đối trong bảng cân đối của một công ty. 

Ví dụ khi một tài sản tạo ra các khoản thanh toán nửa năm, nhưng công ty phải trả tiền thuê nhà, các tiện ích và nhà cung cấp hàng tháng. Công ty có thể bị thiếu tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán nếu không quản lí chặt chẽ số tiền mà họ thu được.   

Một ví dụ khác có thể là một công ty nhận thu nhập bằng một loại tiền tệ nhưng phải trả nghĩa vụ của mình bằng loại tiền khác. Giao dịch hoán đổi tiền tệ có thể được sử dụng để giảm thiểu rủi ro chênh lệch đáo hạn trong tỷ giá.   

Ví dụ về Rủi ro chênh lệch đáo hạn 

Tình huống kinh điển về rủi ro chênh lệch đáo hạn giữa tài sản và nợ phải trả là một ngân hàng đi vay trong thị trường ngắn hạn để cho vay trên thị trường dài hạn. 

Khi lãi suất ngắn hạn tăng và lãi suất dài hạn không thay đổi, khả năng lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm xuống. Sự chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn, hoặc đường cong lợi suất, co lại và làm giảm biên lợi nhuận của ngân hàng.   

Giả sử một ngân hàng có 1 tỉ USD khoản đi vay ngắn hạn bằng USD và 1 tỉ USD khoản cho vay dài hạn ở nước ngoài bằng các loại tiền tệ khác nhau. 

Dù ngân hàng có thể tham gia các khoản vay khác để giúp phòng ngừa rủi ro tiền tệ, họ vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi biến động tiền tệ, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. 

Họ có thể tham gia vào một hợp đồng hoán đổi để giúp bù đắp một số biến động trong tỷ giá tiền tệ. Tuy nhiên điều này vẫn có thể khiến họ đối mặt rủi ro chênh lệch đáo hạn liên quan đến các giao dịch hoán đổi.   

(Theo Investopedia)

 

Lê Thảo