|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp xác định tỉ giá hối đoái (Method of Determining Exchange Rate) là gì? Phân loại

11:11 | 20/04/2020
Chia sẻ
Phương pháp xác định tỉ giá hối đoái (tiếng Anh: Method of Determining Exchange Rate) là cách thức hình thành tỉ giá hối đoái mà mỗi quốc gia áp dụng trong từng thời kì phát triển.
Phương pháp tỉ giá hối đoái (Exchange Rate Methods) là gì? Phân loại - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: keydifferences)

Phương pháp xác định tỉ giá hối đoái 

Khái niệm

Phương pháp xác định tỉ giá hối đoái tạm dịch sang tiếng Anh là Method of Determining Exchange Rate.

Phương pháp xác định tỉ giá hối đoái là cách thức hình thành tỉ giá hối đoái mà mỗi quốc gia áp dụng trong từng thời kì phát triển. 

Các phương pháp

Có hai phương pháp xác định tỉ giá hối đoái mà mỗi quốc gia có thể lựa chọn: phương pháp tiếp cận thị trường tài sản và phương pháp tiếp cận thị trường tiền tệ.

- Theo phương pháp tiếp cận thị trường tài sản, người ta coi tỉ giá hối đoái là giá cả tương đối của hai tài sản. Nguyên lí cơ bản để định giá một tài sản là giá trị hiện tại của tài sản được tính dựa trên sức mua tương lai của tài sản. 

Việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái dựa trên tác động của các yếu tố sau:

+ Tỉ suất lợi tức dự kiến: Lợi tức của khoản tiền gửi được mua bán trên thị trường ngoại hối phụ thuộc mức lãi suất và các thay đổi dự kiến của tỉ giá hối đoái;

+ Khả năng chuyển đổi của tài sản;

+ Các yếu tố rủi ro của tài sản.

- Theo phương pháp tiếp cận thị trường tiền tệ, người ta sử dụng lí thuyết ngang bằng sức mua để lí giải hối đoái dài hạn theo cung và cầu về tiền tệ. 

Lí thuyết ngang bằng sức mua cho rằng tỉ giá hối đoái giữa các đồng tiền của các nước bằng tỉ lệ giữa các mức giá của chúng. Từ đó, cách tiếp cận này đã phát hiện ra mối quan hệ giữa tỉ giá hối đoái với lạm phát cũng như lãi suất.

+ Nếu các điều kiện khác như nhau, một gia tăng trong cung tiền tương đối của một nước sẽ làm tăng theo cùng một tỉ lệ tỉ giá hối đoái dài hạn giữa đồng tiền nước đó với đồng tiền khác (giảm giá đồng nội tệ). 

Tương tự, một sự giảm trong cung tiền tương đối của một nước sẽ làm giảm theo cùng một tỉ lệ tỉ giá hối đoái dài hạn giữa đồng tiền nước đó với đồng tiền nước khác (tăng giá đồng nội tệ).

+ Nếu các điều kiện khác như nhau, một gia tăng trong lạm phát tương đối dự kiến của một nước sẽ làm tăng tỉ giá hối đoái dài hạn (giảm giá nội tệ).

+ Nếu các điều kiện khác như nhau, một gia tăng trong thu nhập tương đối của một nước khác sẽ tăng tỉ giá hối đoái dài hạn (giảm giá nội tệ).

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách Kinh tế - Xã hội, TS. Nguyễn Thị Lệ Thuý, TS. Bùi Thị Hồng Việt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Tài chính, 2012)

Diệu Nhi