Chế độ tỉ giá hối đoái (Exchange rate regime) là gì? Các hình thức
Chế độ tỉ giá hối đoái
Khái niệm
Chế độ tỉ giá hối đoái trong tiếng Anh được gọi là Exchange rate regime.
Chế độ tỉ giá hối đoái là phương thức mà Nhà nước áp dụng để xử lí mối quan hệ giữa đồng tiền nội địa và đồng tiền khác.
Các hình thức
Có hai hình thức của chế độ tỉ giá hối đoái: Tỉ giá hối đoái cố định và tỉ giá hối đoái thả nổi.
- Trong chế độ tỉ giá hối đoái cố định, ngân hàng trung ương sẽ cố định tỉ giá hối đoái bằng cách luôn sẵn sàng mua bán tiền tệ theo tỉ giá đó với các tổ chức và cá nhân trên thị trường ngoại hối.
- Trong tỉ giá hối đoái thả nổi, Nhà nước dùng các chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, tỉ lệ chiết khấu, chính sách hối đoái, các biện pháp phá giá và nâng giá tiền tệ để điều chỉnh tỉ giá hối đoái, phục vụ cho những mục đích nhất định.
Trong đó
+ Chính sách chiết khấu là chính sách của ngân hàng trung ương trong việc áp dụng tỉ suất chiết khấu của ngân hàng mình để điều chỉnh tỉ giá hối đoái trên thị trường.
Khi tỉ giá hối đoái lên cao đến mức nguy hiểm, muốn cho tỉ giá hối đoái giảm xuống thì ngân hàng trung ương nâng cao mức lãi suất lên, do đó lãi suất cho vay trên thị trường cũng tăng theo, kết quả là vốn vay ngắn hạn trên thị trường thế giới sẽ chảy vào thị trường trong nước để thu lãi cao.
Lượng vốn chảy vào sẽ làm giảm bớt sự căng thẳng của quan hệ cung cầu về ngoại hối, do đó tỉ giá hối đoái có xu hướng hạ xuống.
+ Chính sách hối đoái là biện pháp trực tiếp tác động vào tỉ giá hối đoái, ngân hàng trung ương hay các cơ quan quản lí ngoại hối của Nhà nước dùng các nghiệp vụ trực tiếp mua bán ngoại hối, tức là điều chỉnh quan hệ giữa cung và cầu về ngoại hối trên thị trường thông qua đó mà điều chỉnh tỉ giá hối đoái.
+ Sự phá giá tiền tệ là sự giảm giá chính thức tỉ giá hối đoái của một đơn vị nội tệ so với đồng ngoại tệ. Khi sức mua của đồng nội tệ thường xuyên bị giảm, mức độ mất giá quá lớn thì thực hiện phá giá tiền tệ để lập lại mối quan hệ mới, tức là điều chỉnh tỉ giá hối đoái.
Phá giá tiền tệ là một biện pháp bất đắc dĩ; nó dễ đưa đến những phản ứng tâm lí tiêu cực của người dân và điều đó làm cho thị trường ngoại hối bị căng thẳng và có thể làm cho đồng nội tệ mất giá lớn hơn so với mong muốn.
+ Sự nâng giá tiền tệ là việc nâng giá chính thức đơn vị nội tệ so với đồng ngoại tệ dựa trên cơ sở sức mua thực tế có xu hướng tăng lên.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách Kinh tế - Xã hội, TS. Nguyễn Thị Lệ Thuý, TS. Bùi Thị Hồng Việt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Tài chính, 2012)