Kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội là gì?
Kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội
Khái niệm
Khái niệm về kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội được xác định trong từ điển bách khoa Việt Nam như sau:
Kế hoạch hóa là phương thức quản lí vĩ mô nền kinh tế quốc dân của nhà nước theo mục tiêu, là hoạt động của con người trên cơ sở nhận thức và vận dụng các qui luật xã hội và tự nhiên, đặc biệt là qui luật kinh tế để tổ chức quản lí các đơn vị kinh tế, các ngành, các lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo những mục tiêu thống nhất;
Dự kiến trước phương hướng, cơ cấu, tốc độ phát triển và có những biện pháp tương ứng bảo đảm thực hiện, nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. (trang 469, Từ điển Bách khoa Việt Nam 2 - NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002)
Như vậy, nếu theo góc độ qui trình, phương thức thì kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội bao gồm 3 bước chính: lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch và theo dõi đánh giá kế hoạch.
Kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội nếu hiểu theo nội dung, bao gồm một hệ thống đầy đủ các văn bản hoạch định của nhà nước. Tùy theo từng nước, hệ thống các văn bản hoạch định có thể khác nhau.
Ở Việt Nam, hệ thống này bao gồm: chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, qui hoạch phát triển, kế hoạch phát triển và các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Tất cả các văn bản trên có mối quan hệ với nhau, nhằm hướng và tổ chức hoạt động của nền kinh tế theo mục tiêu tổng thể, dài hạn của đất nước (địa phương, ngành).
Như vậy, kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội, nếu hiểu theo nội dung bao gồm:
(1) Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội;
(2) Xây dựng qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhằm cụ thể hóa quan điểm và nội dung chiến lược;
(3) Xây dựng kế hoạch trung hạn, kế hoạch hàng năm nhằm đưa ra chiến lược và qui hoạch vào thực hiện từng bước.
(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)