|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Bội chi ngân sách nhà nước (State Budget Deficit) là gì?

23:48 | 19/04/2020
Chia sẻ
Bội chi ngân sách nhà nước (tiếng Anh: State Budget Deficit) phản ánh sự thiếu hụt của nền tài chính quốc gia.
Bội chi ngân sách nhà nước (State Budget Deficit) là gì? - Ảnh 1.

Bội chi ngân sách nhà nước (State Budget Deficit) (Ảnh: Báo đấu thầu).

Bội chi ngân sách nhà nước (State Budget Deficit)

Bội chi ngân sách nhà nước - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là State Budget Deficit.

Bội chi ngân sách nhà nước là tình trạng tổng số chi lớn hơn tổng số thu trong năm ngân sách, thể hiện sự mất cân đối của ngân sách, phản ánh sự thiếu hụt của nền tài chính. Bội chi ngân sách kéo dài sẽ rối loạn lưu thông tiền tệ và giá cả, dẫn đến lạm phát, ảnh hưởng xấu đến quá trình tái sản xuất toàn bộ nền kinh tế và đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh:

Bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương và tổng thu ngân sách trung ương trong một năm ngân sách;

Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương trong một năm ngân sách. (Theo Nghị định Số: 163/2016/NĐ-CP)

Bù đắp bội chi ngân sách nhà nước

Đối với bội chi ngân sách trung ương

a) Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo qui định của pháp luật;

b) Vay ngoài nước từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.

Đối với bội chi ngân sách địa phương

a) Chi ngân sách địa phương cấp tỉnh được bội chi; bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo qui định của pháp luật;

c) Bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước và do Quốc hội quyết định. Chính phủ qui định cụ thể điều kiện được phép bội chi ngân sách địa phương để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước. (Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015)

Hoàng Huy