Pháp luật thương mại điện tử là gì? Đặc điểm
Pháp luật thương mại điện tử
Khái niệm
Pháp luật thương mại điện tử trong tiếng Anh gọi là: E-commerce law.
Pháp luật về thương mại điện tử là tổng thể các qui phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại mật thiết với nhau, được thể hiện trong các văn bản qui phạm pháp luật, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử hoặc có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử.
Cho đến nay, khi đề cập đến hoạt động thương mại điện tử thì được hiểu là giao dịch thương mại sử dụng công nghệ web (web-commerce) và công nghệ mobile (mobile-commerce) bởi đặc tính kĩ thuật của những loại hình công nghệ này có thể hỗ trợ một giao dịch thương mại điện tử hoàn chỉnh, từ việc trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ cho đến khâu thanh toán trực tuyến và hậu mãi, chăm sóc khách hàng trực tuyến.
Đặc điểm
Ngoài những đặc điểm chung của một hệ thống pháp luật, một ngành luật là có tính qui phạm cụ thể, có tính qui phạm phổ biến, có tính cưỡng chế và chặt chẽ về nội dung, hình thức; pháp luật về thương mại điện tử còn có những đặc điểm riêng xuất phát từ đặc thù hoạt động thương mại điện tử như sau:
- Một là, pháp luật về thương mại điện tử có sự kết hợp các qui phạm truyền thống với qui phạm hiện đại. Bản chất hoạt động thương mại điện tử là sự kết hợp giữa hoạt động thương mại truyền thống và việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Bởi vậy, các qui định của pháp luật về thương mại điện tử được thiết kế, xây dựng, ban hành nhằm điều chỉnh những mối quan hệ thương mại, hành vi thương mại, hoạt động thương mại diễn ra trên môi trường mạng; các hành vi ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao, hành vi sử dụng các phương tiện điện tử, thiết bị số để thực hiện hoạt động thương mại.
- Hai là, pháp luật về thương mại điện tử có sự giao thoa của các qui phạm pháp luật ở nhiều ngành luật.
Rõ ràng, qui định của pháp luật về thương mại điện tử sẽ bao gồm những qui phạm pháp luật trong các lĩnh vực, ngành Luật: thương mại, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, ngân hàng, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thuế…
Cho dù pháp luật về thương mại điện tử tồn tại dưới dạng luật, pháp lệnh hay chỉ là một chế định pháp luật thương mại điện tử thì thực tiễn cho thấy rằng, bản thân các ngành luật khác nếu có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, cũng sẽ có những quy định đặc thù.
Khi đó, tiêu chí lựa chọn áp dụng pháp luật nào, ngành Luật nào cũng cần được xem xét.
- Ba là, pháp luật về thương mại điện tử có độ trễ nhất định nhưng nhanh chóng lạc hậu. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tốc độ đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ cũng như đào thảo công nghệ cũ, lạc hậu diễn ra nhanh chóng.
Điều này khiến cho tồn tại xã hội luôn có những hành vi sử dụng, ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới vào mục đích thương mại ở trong trạng thái “chưa chịu sự điều chỉnh của pháp luật”.
Nhà hoạch định chính sách, pháp luật phải nỗ lực, cố gắng để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện qui định của pháp luật có liên quan; đồng thời, những qui định của pháp luật về thương mại điện tử cũng rất nhanh chóng trở nên lạc hậu, lỗi thời bởi đặc thù nêu trên.
- Bốn là, pháp luật về thương mại điện tử có đối tượng điều chỉnh bao gồm vật thể và phi vật thể.
Tham gia trao đổi, mua bán trên môi trường mạng bao gồm tất cả sản phẩm của ngành sản xuất vật chất và phi vật chất, có vật hữu hình và vật vô hình, sản phẩm dịch vụ, sản phẩm nội dung số, phần mềm, ứng dụng, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ…
Với sự phong phú, đa dạng của hàng hóa, dịch vụ tham gia như vậy, pháp luật thương mại điện tử có sự phức tạp hơn rất nhiều so với pháp luật thương mại truyền thống.
- Năm là, pháp luật về thương mại điện tử được thực thi chủ yếu trên môi trường mạng. Để điều chỉnh hoạt động thương mại diễn ra trên môi trường mạng, các qui định của pháp luật về thương mại điện tử được thiết kế, xây dựng phù hợp với đặc điểm này.
Như việc qui định hành vi giao kết, giao dịch điện tử; qui định việc trưng bày, giới thiệu, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trực tuyến; qui định việc thanh toán, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước; qui định công tác quản lí nhà nước; thu thập chứng cứ điện tử, xử lí vi phạm…
(Tài liệu tham khảo: Đặc điểm vai trò của pháp luật thương mại điện tử và quan điểm hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử trong thời gian tới, ThS. Lương Tuấn Nghĩa, Tạp chí Công thương, 2017)