|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Pháp luật thương mại dịch vụ là gì? Đặc điểm

17:25 | 14/01/2020
Chia sẻ
Theo quan điểm lí luận pháp luật truyền thống ở Việt Nam, pháp luật thương mại dịch vụ có thể được hiểu theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp.
Pháp luật thương mại dịch vụ là gì? Nghĩa rộng và nghĩa hẹp - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: donga)

Pháp luật thương mại dịch vụ

Khái niệm

Theo quan điểm lí luận pháp luật truyền thống ở Việt Nam, pháp luật thương mại dịch vụ có thể được hiểu theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp.

- Theo nghĩa rộng, pháp luật thương mại dịch vụ được hiểu là hệ thống các qui tắc xử sự do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hình thành nên các nhà cung cấp dịch vụ và các quan hệ phát sinh trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ.

Đặc điểm

Các quan hệ này phát sinh ở nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ và liên quan đến nhiều loại chủ thể khác nhau. Do đối tượng điều chỉnh rộng như vậy nên cần đến nhiều qui phạm pháp luật khác nhau và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để điều chỉnh.

Theo quan niệm truyền thống, pháp luật về thương mại dịch vụ bao gồm các qui phạm, chế định thuộc nhiều ngành luật khác nhau (như Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Môi trường…)

- Theo nghĩa hẹp, pháp luật về thương mại dịch vụ là các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ.

Đặc điểm

Theo nghĩa này thì đối tượng điều chỉnh của pháp luật về thương mại dịch vụ chỉ bao gồm các quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh trong quá trình cung ứng dịch vụ thương mại (chủ yếu là các thương nhân). 

Pháp luật về thương mại dịch vụ chỉ bao gồm các qui phạm, chế định của Luật Dân sự và Luật Thương mại với các phương pháp điều chỉnh của luật tư.

Lưu ý

Các lưu ý là việc phân biệt nội hàm của khái niệm pháp luật về thương mại dịch vụ theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp chỉ có tính chất tương đối.

Trên thực tế, hệ thống pháp luật là một thể thống nhất, các qui phạm, các chế định có mối liên hệ mật thiết với nhau không thể tách rời. 

Mọi qui định của hệ thống pháp luật đều có thể được vận dụng để xử lí những vấn đề phát sinh trong thực tiễn một cách hiệu quả nhất.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại, TS. Bùi Ngọc Cường, NXB Giáo dục)

Diệu Nhi