Hành vi thương mại là gì? Đặc điểm
Hành vi thương mại
Khái niệm
Hành vi thương mại tạm dịch sang tiếng Anh là Commercial act.
Theo cách hiểu truyền thống, hành vi thương mại là hành vi mua bán nhằm mục đích lợi nhuận; hành vi thương mại là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, khái niệm về hành vi thương mại đã được mở rộng đến cả lĩnh vực sản xuất, phân phối, dịch vụ và các lĩnh vực khác, với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Hoạt động thương mại được biểu hiện trong đời sống thông qua việc các cá nhân, tổ chức thực hiện một hoặc tập hợp các hành vi thương mại.
Đặc điểm cơ bản
Hành vi thương mại có những đặc điểm cơ bản sau:
- Thứ nhất, hành vi thương mại có mục đích thu lợi nhuận. Khi xác định mục đích lợi nhuận trong hoạt động của thương nhân, cần hiểu là, "ý định" thu lợi của chủ thể mới là tiêu chí quyết định, còn việc đạt được lợi nhuận hay không, cũng như việc sử dụng lợi nhuận thu được cho mục đích gì, không phải là dấu hiệu quyết định.
- Thứ hai, hành vi thương mại diễn ra trên thị trường và thường mang tính chất nghề nghiệp. Hành vi thương mại với tính chất là một nghề nghiệp trong xã hội ra đời và phát triển khi phân công lao động trong xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định và hình thành nền sản xuất hàng hoá.
Điều kiện căn bản để hoạt động thương mại có thể phát triển với tính chất một nghề nghiệp trong xã hội, đó là sự tồn tại của thị trường.
Phân loại hành vi thương mại
Lí luận và thực tiễn về pháp luật thương mại đã biết đến những cách phân loại hành vi thương mại phổ biến sau:
- Hành vi thương mại thuần tuý là những hành vi có mục đích tạo ra lợi nhuận một cách trực tiếp, không phụ thuộc vào chủ thể tiến hành hoạt động này có phải là thương nhân hay không phải là thương nhân.
- Hành vi thương mại phụ thuộc là những hành vi có bản chất dân sự, nhưng do thuwong nhân thực hiện theo nhu cầu nghề nghiệp hay nhân lúc hành nghề.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại, TS. Bùi Ngọc Cường, NXB Giáo dục)