'Đi từng dự án, xuống từng địa phương' thúc giải ngân vốn đầu tư công

Dự án đầu tư công nút giao Phú Thứ (xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Ảnh: A.N/BNEWS
Nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực đầu tư công, mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Cùng với tinh thần đó, “đi từng dự án, xuống từng địa phương” đã được các Tổ trưởng Tổ công tác triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 2/2025, vẫn còn gần 77.636 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ, chiếm 9,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đến nay vẫn còn 24/47 bộ, cơ quan Trung ương và 49/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn theo thời gian quy định.
Ngoài ra, một số bộ, cơ quan Trung ương đã phân bổ chi tiết cho các dự án không đủ điều kiện phân bổ và giải ngân (chưa được phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chưa có quyết định đầu tư, bố trí vượt tổng mức đầu tư đã duyệt, vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt thời gian bố trí vốn)…
Theo đó, Bộ Tài chính đã có văn bản kiểm tra, nhận xét chi tiết đến từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh, hoàn thiện.
Theo các chuyên gia kinh tế, số vốn chưa phân bổ, không chỉ khiến tỷ lệ giải ngân trong những tháng đầu năm chưa đạt kỳ vọng, mà còn có thể ảnh hưởng đến việc triển khai đầu tư các dự án trong năm 2025 - năm cuối cùng của kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Thực tế đã gần cuối tháng 3/2025, tức là thời gian còn lại không nhiều cho trước mắt là mục tiêu phân bổ chi tiết toàn bộ vốn kế hoạch năm 2025.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sau ngày 31/3, nếu bộ, ngành, địa phương nào chưa phân bổ hết vốn, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cắt giảm để điều chuyển cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 để bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược có khả năng giải ngân. Điều này buộc các địa phương phải chạy đua, “vắt chân lên cổ” mà chạy, nếu không muốn bị cắt vốn.
Thời gian qua, việc giải ngân chậm nguồn vốn đầu tư công cũng đã ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn vốn. Bộ Tài chính nêu một số khó khăn, vướng mắc khác trong tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công như: công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án còn chậm do vướng mắc như chưa đạt được thỏa thuận đối với người dân trong giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao mặt bằng; xác định nguồn gốc đất của các hộ gặp nhiều khó khăn do chuyển nhượng nhiều lần nên mất thời gian.
Không những thế, năng lực của Ban Quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp huyện, xã còn hạn chế nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, quản lý dự án dẫn đến chất lượng tham mưu chưa cao. Nguồn cung một số nguyên vật liệu hạn chế (đất, cát đắp...); giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân.
Để đẩy mạnh phân bổ nguồn vốn này, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương rà soát, đảm bảo phân bổ đủ số vốn tối thiểu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển theo đúng quy định tại Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương triển khai công văn số 423/BTC-ĐT ngày 14/01/2025 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề xuất nhu cầu kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2024 sang năm 2025 gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thời hạn quy định tại văn bản số 1078/BKHĐT-TH ngày 14/02/2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về rà soát, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2024 sang năm 2025.
Cùng với tinh thần chung, nhiều địa phương trong cả nước cũng đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công, bởi các địa phương đều xác định trong bối cảnh hiện nay, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này chính là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2025. Điều này đòi hỏi các địa phương cần tháo gỡ nhanh các rào cản liên quan đến đất đai, xây dựng, thẩm định giá đất, giải phóng mặt bằng, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư triển khai dự án thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích khu vực tư nhân và hộ kinh doanh cá thể mở rộng đầu tư, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với TP HCM, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Được vừa ký văn bản số 1696/UBND - DA ngày 18/3 về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các cơ quan chủ quản, đơn vị làm chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm quán triệt, chấp hành nghiêm tiến độ theo Kế hoạch của Thành phố; trong đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng quý năm 2025: quý I đạt từ 10% trở lên, quý II đạt từ 30% trở lên, quý III đạt từ 70% trở lên, quý IV đạt thấp nhất 95%, phấn đấu đạt 100%.
Cùng với TP HCM, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan phải đánh giá toàn diện những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành và thực thi dự án.
“Các nguyên nhân chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cần được làm rõ, đặc biệt tại những đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp; đồng thời, các cơ quan liên quan cần chủ động đề xuất giải pháp khắc phục ngay trong quý I/2025”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết, các địa phương cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để khắc phục. Quan trọng là làm sao để năm nay, giải ngân vốn đầu tư công có thể đạt 95% kế hoạch, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.