|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quan hệ tài chính (Financial relations) là gì? Lí do phải điều chỉnh bằng pháp luật

13:16 | 11/09/2019
Chia sẻ
Quan hệ tài chính (tiếng Anh: Financial relations) là quan hệ phát sinh trong phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập, quản lí, sử dụng các quĩ tiền tệ của các chủ thể trong xã hội.
quan-he-tai-chinh-doanh-nghiep

Hình minh họa (Nguồn: taichinhdoanhnghiep.edu.vn)

Quan hệ tài chính (Financial relations)

Khái niệm

Quan hệ tài chính trong tiếng Anh là Financial relations.

Quan hệ tài chính (Financial relations) là quan hệ phát sinh trong phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập, quản lí, sử dụng các quĩ tiền tệ của các chủ thể trong xã hội.

Là tổ chức quyền lực công đặc biệt, Nhà nước thực hiện các hoạt động tài chính và cũng bằng quyền lực đặc biệt ấy, nhà nước đặt ra pháp luật để điều chỉnh các quan hệ tài chính, hướng dẫn hoạt động tài chính của các chủ thể.

Lí do phải điều chỉnh các quan hệ tài chính bằng pháp luật

Điều chỉnh các quan hệ tài chính bằng pháp luật là cần thiết, xuất phát từ những lí do cơ bản sau:

- Ở bất kì quốc gia nào, nhà nước đều tham gia vào các quan hệ tài chính để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong các hoạt động của nhà nước có hoạt động tài chính, hoạt động mang tính công quyền, đòi hỏi phải được thể chế hóa về mặt luật pháp.

- Bản chất của tài chính là các quan hệ kinh tế trong phân phối các nguồn tài chính, phân phối của cải xã hội gắn liền với việc hình thành, chuyển giao hay sử dụng các quĩ tiền tệ - sự bảo đảm về mặt vật chất cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

- Các quan hệ tài chính phản ánh lợi ích kinh tế giữa các chủ thể tham gia, trước hết và chủ yếu là lợi ích kinh tế trực tiếp của Nhà nước, xã hội và công dân. Để giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích trên, nhà nước phải sử dụng đến pháp luật. 

Điều chỉnh các quan hệ tài chính bằng pháp luật còn nhằm bảo đảm tính kế hoạch, tính công khai và mối quan hệ vừa chi phối vừa phụ thuộc lẫn nhau giữa hoạt động tài chính với các hoạt động kinh tế, xã hội khác

- Các quan hệ tài chính ngày càng trở nên phong phú và phức tạp, chịu sự tác động của các qui luật khách quan của kinh tế thị trường. Để quản lí hoạt động tài chính, bảo đảm minh bạch, nhà nước phải sử dụng pháp luật. 

Đây cũng là sự khẳng định trên thực tế quyền lực của Nhà nước trong điều tiết và phân phối của cải xã hội, đồng thời là những yêu cầu mang tính bắt buộc từ phía nhà nước về nghĩa vụ tài chính đối với các thành viên của xã hội và là sự công khai về những bảo đảm của Nhà nước.

- Việc tạo lập, sử dụng các quĩ tiền tệ phản ánh kết quả của một quá trình cân đối giữa qui mô nguồn lực tài chính và nhu cầu, thông qua phân tích lợi ích và chi phí. Song nguồn tài chính là có hạn, trong khi nhu cầu thì vô hạn, để các nguồn tài chính được sử dụng nhằm tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu các chi phí, các quan hệ tài chính phải được pháp luật điều chỉnh

- Để bảo đảm thực hiện các chức năng vốn có của tài chính, nhà nước sử dụng những biện pháp, cách thức và phương pháp khác nhau, thông qua các công cụ khác nhau, trong đó pháp luật là công cụ quan trọng mà các quốc gia đều sử dụng, bởi xuất phát từ chính các thuộc tính của pháp luật (tính qui phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức, tính được bảo đảm thực hiện bằng nhà nước).

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)

T.H