Phán quyết trọng tài (Arbitral Awards) là gì? Những điều cần chú ý
Hình minh họa (Nguồn: Lexsofia)
Phán quyết trọng tài
Phán quyết trọng tài - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Arbitral Awards.
Theo Luật trọng tài thương mại hiện hành, "Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài."
Nguyên tắc ra phán quyết
- Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.
- Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Nội dung, hình thức và hiệu lực của phán quyết trọng tài
Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Ngày, tháng, năm và địa điểm ra phán quyết;
- Tên, địa chỉ của nguyên đơn và bị đơn;
- Họ, tên, địa chỉ của Trọng tài viên;
- Tóm tắt đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp;
- Căn cứ để ra phán quyết, trừ khi các bên có thoả thuận không cần nêu căn cứ trong phán quyết;
- Kết quả giải quyết tranh chấp;
- Thời hạn thi hành phán quyết;
- Phân bổ chi phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan;
- Chữ kí của Trọng tài viên.
Khi có Trọng tài viên không kí tên vào phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải ghi việc này trong phán quyết trọng tài và nêu rõ lí do. Trong trường hợp này, phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực.
Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng.
Phán quyết trọng tài phải được gửi cho các bên ngay sau ngày ban hành. Các bên có quyền yêu cầu Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài vụ việc cấp bản sao phán quyết trọng tài.
Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Đăng kí phán quyết trọng tài vụ việc
Theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp, phán quyết của Trọng tài vụ việc được đăng kí tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết trọng tài đó.
Việc đăng kí hoặc không đăng kí phán quyết trọng tài không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lí của phán quyết trọng tài.
Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ban hành phán quyết trọng tài, bên yêu cầu đăng kí phán quyết trọng tài vụ việc phải gửi đơn xin đăng kí phán quyết trọng tài tới Tòa án có thẩm quyền kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ các tài liệu sau đây:
- Phán quyết trọng tài do Hội đồng trọng tài vụ việc ban hành;
- Biên bản phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài vụ việc, nếu có;
- Bản chính hoặc bản sao thoả thuận trọng tài đã được chứng thực hợp lệ.
Bên yêu cầu phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các tài liệu gửi cho Tòa án.
Nội dung đăng kí phán quyết Trọng tài
- Thời gian, địa điểm thực hiện việc đăng kí;
- Tên Tòa án tiến hành việc đăng kí;
- Tên, địa chỉ của bên yêu cầu thực hiện việc đăng kí;
- Phán quyết được đăng kí;
- Chữ kí của người có thẩm quyền và đóng dấu của Tòa án.
Về thời hạn trong phán quyết trọng tài
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn xin đăng kí phán quyết, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét đơn đăng kí phán quyết.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải kiểm tra tính xác thực của các tài liệu gửi kèm theo đơn và thực hiện việc đăng kí.
- Trường hợp xác định phán quyết trọng tài không có thật thì Thẩm phán từ chối đăng kí, trả lại đơn yêu cầu và các tài liệu kèm theo và phải thông báo ngay cho bên có yêu cầu biết, đồng thời nêu rõ lí do.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người yêu cầu đăng kí phán quyết trọng tài có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án về việc từ chối đăng kí phán quyết trọng tài.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án phải xem xét và ra quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng. (Theo Luật trọng tài thương mại năm 2010)