Thủ tướng: Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng không phải là duy nhất

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. (Nguồn: VGP)
Sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đi qua 1/4 thời gian của năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm.
Việc Mỹ công bố chính sách thuế quan đối ứng, căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu; các nước đã có phản ứng khác nhau, thị trường chứng khoán các nước sụt giảm; tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.
Ông cho biết, ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động thực hiện tất cả các biện pháp có thể làm. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành đã giao thiệp với phía Mỹ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao.
Trong nước, nhiều giải pháp liên quan quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ được thực hiện, như tiếp tục nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, mua hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ; giải quyết các yêu cầu chính đáng của phía Mỹ trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Đồng thời, chia sẻ với các đối tác khác, nhất là hợp tác thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác.
Thủ tướng cho rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải là duy nhất. Đồng thời đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cơ cấu lại xuất khẩu và nâng cao chất lượng các mặt hàng để xâm nhập vào các thị trường khác còn nhiều tiềm năng, như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Mỹ La tinh, Ấn Độ, ASEAN…

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: VGP)
9 tháng cuối năm, GDP cần tăng khoảng 8,3%
Về tình hình kinh tế, Thủ tướng cho biết dù vẫn thấp hơn kịch bản tăng trưởng mới, song tăng trưởng GDP quý I đạt 6,93%, cao hơn cùng kỳ 5 năm qua và thuộc nhóm cao trong khu vực và quốc tế là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; cả ba khu vực công nghiệp nông nghiệp dịch vụ đều tăng trưởng tích cực, đặc biệt là nông nghiệp.
Thủ tướng lưu ý không chủ quan, lơ là và nhận thấy rõ những hạn chế, bất cập, như sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất còn lớn; sức mua phục hồi chậm; chính sách đất đai, thị trường bất động sản còn có những bất cập; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn cùng kỳ...
"Các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình thời gian tới; xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 4, quý II, những việc cần làm ngay, những giải pháp trước mắt, những nhiệm vụ lâu dài", ông nêu rõ.
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo cả năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%; tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra.
Tính riêng quý II, công nghiệp chế biến, chế tạo cần tăng 10,1% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng; sản xuất điện, khí đốt cần tăng 11,5%, ngành khai khoáng cần phục hồi để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.
Đầu tư công còn nhiều dư địa để thúc đẩy, với tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội giao thực hiện năm 2025 là gần 826.000 tỷ đồng. Khu vực dịch vụ, du lịch duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý I, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Nguồn: VGP)
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng nhiệm vụ đầu tiên trong ngắn hạn là tăng cường đối thoại, thúc đẩy đàm phán song phương với Mỹ để thỏa thuận mức áp thuế đối ứng hợp lý, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Ngoài ra, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy đầu tư công, đầu tư trong nước, thu hút FDI; phát triển, bảo vệ thị trường trong nước và thúc đẩy du lịch; và hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, giải pháp ứng phó với chính sách của Mỹ, ổn định niềm tin, tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và thị trường, tạo đồng thuận xã hội.
"Kịp thời nắm bắt, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện để hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tạo thuận lợi tối đa cho các địa phương trong quá trình thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.