Nguyên tắc phân bổ theo quan hệ nhân quả là gì?
Nguyên tắc phân bổ theo quan hệ nhân quả
Khái niệm
Nguyên tắc phân bổ theo quan hệ nhân quả là một trong các nguyên tắc chủ yếu khi phân bổ chi phí kinh doanh.
Theo nguyên tắc phân bổ theo quan hệ nhân quả, việc phân bổ chi phí kinh doanh chung chỉ được phân bổ cho các điểm (đối tượng chịu) chi phí nếu xác định rõ ràng mối quan hệ nhân quả giữa chúng.
Theo bạn, thế nào là quan hệ nhân quả giữa chi phí kinh doanh chung phát sinh và đối tượng chịu chi phí? Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy chú ý đến các dấu hiệu sau:
- Sự thay đổi của chúng phải cùng chiều: cái này tăng, cái kia cũng tăng và ngược lại, cái này giảm thì cái kia cũng phải giảm.
- Sự tăng giảm phải gần như giống nhau.
Ví dụ
Trường hợp phân bổ chi phí kinh doanh sử dụng điện của toàn doanh nghiệp cho các điểm chi phí – bộ phận có sử dụng điện là thực hiện được vì giữa chúng có quan hệ nhân quả: nếu sử dụng điện ở từng điểm chi phí tăng lên (công suất, thời gian) thì chi phí kinh doanh sử dụng điện ở toàn doanh nghiệp cũng tăng lên và ngược lại;
Mặt khác, nếu sử dụng điện ở các điểm chi phí tăng (giảm) bao nhiêu thì chi phí kinh doanh sử dụng điện ở toàn doanh nghiệp cũng tăng (giảm) tương ứng. Rõ ràng, nguyên tắc này đáp ứng tốt nhất tính chính xác của tính chi phí kinh doanh.
Nói cách khác, nếu áp dụng nguyên tắc này trong mọi quá trình phân bổ chi phí kinh doanh chung thì không ai nghi ngờ gì về tính xác thực của các kết quả phân bổ. Chính các hệ thống tính chi phí kinh doanh bộ phận tuân thủ nguyên tắc này một cách triệt để nhất nên đã chỉ phân bổ chi phí kinh doanh có tính chất biến đổi.
Thuật ngữ liên quan
Có thể hiểu nguyên tắc là những "mẫu mực" được đưa ra nhằm điều chỉnh thống nhất những hành vi nhất định.
Nguyên tắc phân bổ thống nhất cách thức phân bổ chi phí kinh doanh chung cho các đối tượng được phân bổ. Thống nhất cách thức phân bổ vừa đảm bảo việc phân bổ chi phí kinh doanh chung tiếp cận đến độ chính xác cần thiết, vừa đảm bảo tính chính xác khi phân tích, so sánh, đánh giá chi phí kinh doanh phát sinh ở các thời kì tính toán khác nhau.
Bạn hãy tưởng tượng xem bạn sẽ kết luận thế nào nếu phân tích số liệu về chi phí kinh doanh ở 2 thời kì tính toán khác nhau mà ở mỗi thời kì người ta lại phân bổ theo mỗi cách khác nhau?
(Tài liệu tham khảo: Thiết kế các điểm chi phí trong doanh nghiệp, Trung tâm Đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)