Kĩ thuật phân tổ (Clustering techniques) là gì? Đặc trưng của kĩ thuật phân tổ
Hình minh họa
Kĩ thuật phân tổ (Clustering techniques)
Định nghĩa
Kĩ thuật phân tổ trong tiếng Anh là Clustering techniques. Kĩ thuật phân tổ là việc chia một tổng thể lớn thành các tổng thể con (tổng thể thứ cấp), thành các phần tử tương đối đồng nhất theo một tiêu thức nào đó.
Kĩ thuật phân tổ còn được gọi là kĩ thuật phân nhóm.
Các thuật ngữ liên quan
Tổng thể (Population) trong kiểm toán là một tập hợp bao gồm tất cả các phần tử hoặc đơn vị thuộc đối tượng nghiên cứu.
Hay nói cách khác tổng thể là toàn bô dữ liệu về một vấn đề gì đó mà kiểm toán viên muốn lập mẫu kiểm toán để rút ra các kết luận.
Mẫu kiểm toán là một phần dữ liệu (mẫu) được lấy ra từ tổng thể (toàn bộ dữ liệu) được thực hiện bằng các phép thử cơ bản và tuân thủ để đánh giá, từ kết quả của mẫu kiểm toán suy ra kết quả cho tổng thể.
Mẫu kiểm toán phải đảm bảo đủ đại diện cho cả tổng thể và có đầy đủ các tiêu thức và đặc trưng của tổng thể.
Mẫu đại diện là mẫu mà đặc điểm của mẫu cũng giống như những đặc điểm của tổng thể.
Đặc trưng của kĩ thuật phân tổ
- Mục đích của việc phân tổ là làm giảm tính biến động của các phần tử trong mỗi nhóm để làm giảm cỡ mẫu mà rủi ro lấy mẫu không tăng tương ứng. Tính chất của các nhóm cần được xác định rõ ràng để cho một đơn vị lẫy mẫu chỉ thuộc về một nhóm duy nhất.
- Phân tổ là việc làm trước khi tính toán cỡ mẫu của kiểm toán viên và sự lựa chọn các phần tử của mẫu kiểm toán.
- Khi phân tổ, các tổng thể con có thể được đánh giá riêng lẻ hoặc kết hợp để ước lượng về những đặc trưng cho toàn bộ tổng thể lớn.
- Đối với các phần tử có đặc trưng bất thường khác biệt sẽ được tách ra thành tổng thể riêng biệt có tính đồng nhất và hơn tổng thể đã được phân bổ.
- Kĩ thuật phân tổ có rất nhiều ưu điểm, nó giúp kiểm toán viên lấy được mẫu đại diện cho tổng thể lớn dễ dàng. Đồng thời kích thước mẫu được lựa chọn từ các tổng thể con sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với việc lựa chọn từ tổng thể lớn.
- Bên cạnh đó, kĩ thuật này còn giúp kiểm toán viên gắn với việc lựa chọn mẫu với tính trọng yếu, kể cả việc áp dụng các thủ tục kiểm toán thích hợp cho mỗi tổng thể con.
Chẳng hạn như với các phần tử có tính trọng yếu thì kiểm toán viên có thể kiểm toán toàn bộ, nếu không thì lựa chọn phương pháp kiểm toán thích hợp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lí thuyết kiểm toán, NXB Tài chính)