|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành vi tiêu dùng của Gen Z: Thích tiêu tiền nhiều hơn, mua trả góp nhưng vẫn biết tiết kiệm bằng đồ second hand

07:56 | 06/07/2021
Chia sẻ
Gen Z bắt đầu thay đổi hành vi tiêu dùng sau COVID-19. Thế hệ trẻ chi tiêu nhiều hơn, thích mua trả góp nhưng vẫn biết tiết kiệm bằng cách mua đồ second hand.

Chi tiêu nhiều hơn

CEO Steve Squeri của American Express chia sẻ với Bloomberg rằng, người tiêu dùng trẻ tuổi ở Mỹ, mặc dù tiết kiệm ít hơn người lớn tuổi, nhưng lại là những người mở hầu bao khi nền kinh tế Mỹ phục hồi. Millennials và các thành viên của Gen Z thậm chí còn chi tiêu nhiều hơn trước đại dịch khi vaccine đang khiến thế giới vận hành bình thường trở lại.

Ông Squeri nói thêm: "Chúng tôi cho rằng có nhu cầu bị dồn nén không chỉ đối với du lịch mà còn đối với hàng tiêu dùng. Thế hệ millennials và Gen Z đang chi tiêu 125% so với mức trước COVID tức năm 2019".

Điều đó đã giúp hồi sinh chi tiêu tổng thể trên các thẻ của American Express, tuy nhiên, con số này vẫn giảm trong quý này so với mức trước đại dịch. Khi nước Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng cao, đơn vị phát hành thẻ tín dụng này được hưởng lợi khi người tiêu dùng quay trở lại với việc du lịch nghỉ dưỡng và đi ăn ở ngoài.

Hành vi tiêu dùng của Gen Z đang thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

Thế hệ millennials và Gen Z đang chi tiêu 125% so với mức trước COVID tức năm 2019. (Ảnh: Mail Up).

Theo thống kê của American Egg Board vào năm 2020, do COVID-19, các hộ gia đình thế hệ Z đã chi 760 USD cho thực phẩm hàng tháng. Điều đáng chú ý là vào năm 2016, Gen Z đã chi 78 tỷ USD vào các nhà hàng, quán bar và không nhiều trong số đó đủ tuổi uống rượu hợp pháp. 

Các chủ nhà hàng nhận thấy Gen Z cởi mở hơn với các sở thích đích thực và cũng sẵn sàng thử các món ăn mới lạ hơn, cho phép các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm sáng tạo và hợp thời hơn với thực đơn món ăn của họ.

Tại Trung Quốc, trang SCMP từng có bài viết, Gen Z đã mua 15% tổng số hàng hóa xa xỉ được bán ở Trung Quốc, so với mức trung bình trên toàn thế giới là 10%. Các khoản chi tiêu của thế hệ này cũng chiếm 13% thu nhập gia đình của họ.

Trang này dẫn một nghiên cứu cho biết, có 46% người trong Gen Z tại Trung Quốc nghĩ rằng mục tiêu tiêu dùng là khẳng định bản thân, danh tính và định hình phong cách xã hội, cá nhân, trong đó niềm vui hiện tại được coi là động lực hàng đầu của họ. Nhiều chuyên gia cho rằng, mức độ chịu chi của thế hệ Gen Z ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc.

Thích trả góp

Sự thay đổi hành vi tiêu dùng ở Gen Z cũng đang là xu hướng rất rõ ràng tại Đông Nam Á. Ở Singapore, việc thế hệ trẻ đang vay mua trả góp quá tự do, khiến ngân hàng trung ương nước này lo lắng. 

Sau khi phổ biến ở phương Tây, dịch vụ mua trước trả sau đang phát triển mạnh mẽ ở Singapore và các nước Đông Nam Á khác. Theo công ty tư vấn Cohere Market Insights, thị trường dịch vụ mua trả góp này sẽ đạt quy mô khoảng 33,6 tỷ USD vào năm 2027, tăng từ mức 7,3 tỷ USD vào năm 2019.

Các công ty dịch vụ mua trước trả sau ở Singapore cho biết, hầu hết khách hàng của họ ở độ tuổi 20 đến 35. Điều này cho thấy những người trẻ đang rời bỏ tư duy truyền thống là tránh vay mượn của các thế hệ Đông Nam Á lớn hơn. 

Các nhà bán lẻ như Sephora và Zara chấp nhận thanh toán trả góp, với người bán phải trả cho các công ty trả góp một khoản phí cho mỗi giao dịch. "Mọi người muốn có các mẫu thời trang mới nhất và bắt kịp xu hướng. Đó là động lực lớn để họ mua hàng và quyết định trả góp", Anton Ruddenklau, người đứng đầu bộ phận dịch vụ tài chính của KPMG Singapore cho biết.

Hành vi tiêu dùng của Gen Z đang thay đổi ra sao? - Ảnh 2.

COVID-19 phần nào thúc đẩy Gen Z thích mua trước trả sau. (Ảnh: PYMNTS).

Đại dịch đã thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ trả góp ở đảo quốc sư tử, khi người bán và người mua phải thực hiện giao dịch trực tuyến. Nhờ thế, người mua nhanh chóng tìm kiếm các sản phẩm có giá tốt nhất và dễ dàng lựa chọn phương thức thanh toán. 

Trước xu hướng này, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã phát động một chiến dịch truyền thông cảnh báo các phương thức thanh toán trên có thể dẫn đến nợ và rủi ro tín dụng tiêu dùng. Tờ Straits Times đưa tin, MAS khuyến khích mọi người tránh vay mượn để mua sắm thoải mái.

Nhìn rộng ra cả khu vực, một số gã khổng lồ công nghệ của Đông Nam Á cũng đã lấn sân sang lĩnh vực này. Dịch vụ PayLater của Grab đã ra mắt vào năm 2019, đang hoạt động ở Singapore và các quốc gia khác trong khu vực. Traveloka Indonesia đang tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ trả góp tập trung vào Thái Lan và Việt Nam.

Mốt thời trang second hand

Tuy nhiên trong lĩnh vực thời trang, Forbes dẫn Báo cáo bán lại năm 2021 của ThredUP cho rằng, xu hướng mua đồ sang tay (Second hand) lại đang thịnh hành. Theo báo cáo, hành vi của người tiêu dùng chuyển sang hướng tiết kiệm, dự báo thị trường quần áo và phụ kiện đã qua sử dụng sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới lên 77 tỷ USD, tăng nhanh hơn 11 lần so với lĩnh vực bán lẻ nói chung vào năm 2025.

76% người mua bán lại lần đầu có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho đồ cũ trong 5 năm tới và danh mục này dự kiến sẽ nhân lên 5,4 lần trong 5 năm tới. Số lượng người bán lần đầu dự kiến sẽ tăng từ 36,2 triệu (tổng số 56 triệu người bán) vào năm 2020 lên 118,8 triệu. ThredUP ước tính, đang có 9 tỷ mặt hàng quần áo nằm yên trong tủ của người tiêu dùng, chúng đều không được mặc và 34 tỷ sản phẩm đang bị vứt bỏ.

Hành vi tiêu dùng của Gen Z đang thay đổi ra sao? - Ảnh 3.

Tiêu dùng bền vững, trong đó có "mốt" thời trang second hand đang được Gen Z ưa chuộng. (Ảnh: Forbes).

Báo cáo cho biết, thế hệ trẻ đang thúc đẩy hoạt động bán lại, với hơn 40% người tiêu dùng Millennials và Gen Z mua sắm tiết kiệm trong năm qua. 32% Gen X và 16% Baby Boomers  (sinh từ 1946 đến 1964) mua sắm quần áo, phụ kiện và giày dép đã qua sử dụng trong năm 2020.

Trong khi người tiêu dùng mua ít thời trang hơn trong thời kỳ đại dịch, tiết kiệm đã trở thành một thói quen mới của nhiều người. Anthony Marino, chủ tịch ThredUP cho biết: "Phần lớn khách hàng mới nói rằng, đó không chỉ là sự thay đổi kênh, mà còn là sự thay đổi về hành vi". Việc bán lại đang nổi lên như một kênh tăng trưởng cốt lõi cho các nhà bán lẻ hàng may mặc.

Y Khải