VietinBank đấu giá hàng loạt khoản nợ tiêu dùng không tài sản bảo đảm
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) đã thông báo bán hàng loạt các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ.
Cụ thể, VietinBank rao bán 9 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân; dư nợ cả gốc, phí và lãi mỗi khoản dao động từ gần 1,5 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng. Các khoản nợ đều không bao có tài sản bảo đảm. Tổng dư nợ cũng như giá khởi điểm của lô nợ là hơn 75,5 triệu đồng.
Số nợ này đã được trả bớt phần nào do ngay trước đó một tuần, tổng dư nợ và giá khởi điểm của số nợ này là hơn 83,1 triệu đồng.
Trước đó không lâu, VietinBank cũng rao bán khoản nợ vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm của 15 cá nhân khác với tổng dư nợ lên tới hơn 166 triệu đồng. Khoản nợ cao nhất lên tới hơn 44,3 triệu đồng.
Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia của HSBC chỉ ra rằng sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng cùng với nợ hộ gia đình tăng cao, đang là một mối lo ngại lớn đối với hệ thống ngân hàng.
Cho vay hộ gia đình tại 4 ngân hàng quốc doanh đã tăng đáng kể từ 28% vào năm 2013 lên 46% vào năm 2020, qua đó, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP đã tăng từ 25% lên 61% trong cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng nợ hộ gia đình giảm đáng kể vào năm 2020, nhưng vẫn ở mức cao.
Nếu tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng đã tăng từ 41% thu nhập vào năm 2013 lên hơn 100% vào năm 2020.
Dựa trên tham vấn mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), có hơn 50% nợ hộ gia đình phục vụ mục đích kinh doanh cá nhân vào năm 2019.
"Nếu ước tính tương tự vào năm 2020, cho vay tiêu dùng sẽ chiếm khoảng 50% thu nhập trên một lực lượng lao động, vẫn là một tỷ lệ cao đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam", các chuyên gia HSBC đánh giá.
Nhóm phân tích cho rằng đòn bẩy tiêu dùng nâng cao có thể kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt là khi các điều kiện thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.