Cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15 - 20% tổng dư nợ nền kinh tế
Chia sẻ tại Tọa đàm về Tài chính tiêu dùng với chủ đề "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng" diễn ra mới đây, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho vay tiêu dùng ko chính thức ước tính chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (tương đương 1,16 - 1,55 triệu tỉ đồng).
Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng tính đến cuối năm 2019 đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng, bằng 11,4% tổng dư nợ; ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.
"Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn, khoảng 1,5 - 2 triệu tỉ đồng chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo", vị chuyên gia này nhận định.
Để có thể khai thác dư địa này, ông Hòe cho rằng giải pháp đầu tiên và cần thiết nhất là khẩn trương giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cứu trợ người mất việc, người nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16.000 tỉ đồng lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách đối với doanh nghiệp để trả lương.
Thứ hai là kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ gói đầu tư công 700.000 tỉ đồng với nút thắt chính là cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, cần tập trung cho vay với món nhỏ, lãi suất hợp lí, thời gian trả nợ kéo dài hơn so với trước dịch. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh lại hoạt động cho vay cầm đồ, vay nặng lãi, và bắt buộc gỡ các App cho vay bất hợp pháp, truy tìm xử lí loại "công ty ma" này.